Không tìm được tiếng nói chung, chính quyền yêu cầu ngừng thi công dự án

UBND xã Bình Quý và các bên tham gia công tác hoàn thổ tại mỏ đất đồi Châu Mỹ (thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã không thể tìm được tiếng nói chung trước tình trạng chồng lấn khối lượng khi thi công.

Tranh luận đúng sai thay vì tìm phương án

Liên quan đến đề án đóng cửa mỏ đất đồi Châu Mỹ (thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), Công ty cổ phần 19-5 bắt đầu triển khai thi công hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường vào ngày 12/4. Nhưng trong quá trình thực hiện, đơn vị trúng thầu đã gặp phải vấn đề liên quan đến chồng lấn khối lượng với nhà thầu thi công đường 14E là Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam và Công ty TNHH Đồng Thuận Hà.

Trước thực trạng trên, UBND xã Bình Quý – Chủ đầu tư dự án đã phải tổ chức cuộc họp vào ngày 27/5. Nội dung cuộc họp được đưa ra thảo luận liên quan đến tổng diện tích chồng lấn khối lượng giữa các đơn vị là khoảng 2.1ha.

UBND xã Bình Quý cùng các bên liên quan kiểm tra thực địa dự án đóng cửa mỏ đất đồi Châu Mỹ. Hiện hai đơn vị thi công đường 14E và Công ty cổ phần 19-5 vẫn chưa tìm được tiếng nói chung khi xảy ra tình trạng chồng lấn khối lượng.

UBND xã Bình Quý cùng các bên liên quan kiểm tra thực địa dự án đóng cửa mỏ đất đồi Châu Mỹ. Hiện hai đơn vị thi công đường 14E và Công ty cổ phần 19-5 vẫn chưa tìm được tiếng nói chung khi xảy ra tình trạng chồng lấn khối lượng.

Ông Nguyễn Hữu Luân – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý cho biết đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường đồi Châu Mỹ đã được địa phương nghiên cứu và hoàn thiện thủ tục các bước từ năm 2017 đến 2023. Công ty cổ phần 19-5 cũng trình đầy đủ thủ tục và hồ sơ khi thực hiện đấu thầu.

UBND xã trước đó cũng tạo điều kiện tối đa để Ban Quản lý dự án 4 (Chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270 - Km89+700) cho các đơn vị thi công đổ thải xuống. Việc này dựa vào văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam, thông báo số 236/TB-UBND về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, thống nhất chủ trương cho Ban Quản lý dự án 4 chỉ đạo các đơn vị thi công phối hợp với UBND huyện Thăng Bình đổ vật chất thừa trong quá trình thi công.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng - đại diện Ban Quản lý dự án 4, đơn vị đã làm việc trực tiếp với UBND xã Bình Quý để triển khai các thủ tục trước khi thực hiện đổ thải. Các đơn vị thi công đường 14E khi đổ thải còn có sự giám sát về chất thải, khối lượng cũng như đảm bảo tiêu chuẩn của địa phương đưa ra. Đơn vị đổ thải cho rằng đã làm đúng trình tự theo yêu cầu, đặc biệt đảm bảo các tiêu chuẩn hoàn thổ. Do vậy, UBND xã Bình Quý cần bố trí khu vực 2.1ha để tiếp tục đổ thải và tách biệt khối lượng để sau này nghiệm thu.

Nhưng ông Nguyễn Duy Hoài Nam - đại diện Công ty cổ phần 19-5 không đồng ý giao 2.1ha cho Ban Quản lý dự án 4. Vị lãnh đạo này khẳng định cũng đã thực hiện khối lượng hơn 1.5ha. Chưa kể công tác nhiệm thu đóng cửa mỏ còn liên quan đến độ phủ cây xanh và bố trí cây trồng lại cho người dân.

Dù theo báo cáo khối lượng công việc hoàn thổ đạt khoảng 80% nhưng nhìn chung địa hình vẫn còn phức tạp. Đi vào sâu bên trong, dự án còn nhiều hố sâu, núi đá cao dựng đứng và bề mặt lồi lõm.

Dù theo báo cáo khối lượng công việc hoàn thổ đạt khoảng 80% nhưng nhìn chung địa hình vẫn còn phức tạp. Đi vào sâu bên trong, dự án còn nhiều hố sâu, núi đá cao dựng đứng và bề mặt lồi lõm.

Trước tranh luận của các bên, ông Nguyễn Hữu Luân – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý khẳng định địa phương chưa nhận được văn bản nào về việc huyện Thăng Bình chỉ đạo cho Ban Quản lý dự án 4 đổ thải trong phạm vi 2.1ha. Có chăng địa phương đã tạo điều kiện để đơn vị thi công đường 14E thực hiện sau khi có kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang.

Chưa có hướng giải quyết, tạm thời ngừng thi công

Đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thăng Bình cho rằng các đơn vị chưa tìm được tiếng chung nên phải báo cáo và tham mưu thêm. Các bên liên quan cần tổng hợp một cách cụ thể, chính xác về khối lượng, phạm vị hoàn thổ để làm căn cứ tiếp theo. Đối với Ban Quản lý dự án 4 cần phải rà soát lại toàn bộ thủ tục hồ sơ liên quan đến công tác đổ thải.

Ghi nhận thực tế tại hiện trường mỏ đất, phòng Tài nguyên và Môi trường đánh giá công tác hoàn thổ vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Các đơn vị thi công cần chú trọng đến độ dốc bởi địa hình phần lớn đồi núi cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dân. Chưa kể, công nhân thực hiện hoàn thổ cũng cần đề cao cảnh giác bởi dễ xảy ra sạt lở.

Theo quan sát, vẫn còn tình trạng đổ các chất thải lên bề mặt dự án, không đạt tiêu chuẩn.

Theo quan sát, vẫn còn tình trạng đổ các chất thải lên bề mặt dự án, không đạt tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Hữu Luân – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý cũng yêu cầu các đơn vị thi công đường 14E tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ liên quan. Thời gian đến địa phương tiếp tục giám sát công tác hoàn thổ dự án và đổ thải nhằm đảm bảo khối lượng và kỹ thuật. Địa phương sẽ xin tham mưu của UBND huyện Thăng Bình. Hiện Công ty cổ phần 19-5 sẽ rất khó hoàn thiện và nhiệm thu đề án đóng cửa mỏ đất đồi Châu Mỹ.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Đặng Tấn Dục – Chủ tịch UBND xã Bình Quý cho biết do không thống nhất phương án nên đã yêu cầu các bên ngừng thi công hoàn thổ và hoàn thổ. Khi nào có chỉ đạo tham mưu của UBND huyện Thăng Bình và tìm được giải pháp sẽ khởi động lại dự án.

Như Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, để thực hiện thi công dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn từ năm 2013 đến 2017, mỏ đất tại thôn Châu Mỹ, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình đã được cơ quan chức năng cấp phép khai thác đối với Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam. Dù doanh nghiệp này sau đó đã thực hiện việc khai thác đất đúng theo quy định. Tuy nhiên, trước khi hết giấy phép khai thác, cũng là trước khi dự án cao tốc nói trên đưa vào hoạt động (từ năm 2018) thì doanh nghiệp đã rời khỏi địa phương. Hiện trường dự án là khu vực rộng lớn khai thác đất bị múc tơi bời, để lại nhiều mỏm đá cao và hố sâu hàng chục mét.

UBND xã Bình Quý sau đó đã triển khai tìm kiếm nhà thầu để thực hiện dự án hoàn thổ này. Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần 19-5 đã trúng thầu công trình đóng cửa mỏ khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình với số tiền gần 1.6 tỷ đồng. Dự án được quyết định thực hiện trong vòng 45 ngày. Được biết, ngân sách dùng để thực hiện việc hoàn thổ được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo môi trường của Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam đã đóng trước đó. UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản cho phép và hướng dẫn vào tháng 10/2018. Thực hiện chỉ đạo, UBND huyện Thăng Bình cũng đã yêu cầu UBND xã Bình Quý sử dụng số tiền 1.8 tỷ để lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện đề án đóng mỏ vào tháng 1/2019.

Quang Hải - Tấn Việt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-tim-duoc-tieng-noi-chung-chinh-quyen-yeu-cau-ngung-thi-cong-du-an.html