Không vì kinh nghiệm có sẵn để chủ quan trong việc chỉ đạo thi

Việc phòng chống thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao được ngành giáo dục đặc biệt chú trọng, lưu ý để đảm bảo công bằng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Sáng nay (20/6), Ban chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đã có cuộc họp với 63 tỉnh/thành phố trên cả nước để báo cáo tình hình công tác chuẩn bị thi, xử lý các vướng mắc trước khi kỳ thi diễn ra.

Nhấn mạnh về những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao, ông Lê Minh Mạnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an thông tin sau quá trình kiểm tra công tác chuẩn bị thi, tại các địa phương vẫn tồn tại một số hạn chế liên quan đến công tác đảm bảo an ninh.

Theo đó, nhiều nơi còn gặp vướng mắc khi chưa hiểu rõ quy định về nơi bảo quản đồ dùng của thí sinh phải cách khu vực thi tối thiểu 25m, quy định bố trí khu vực để xe, nhiều địa điểm thi nhà dân gần phòng thi. Đặc biệt, theo ông Mạnh việc phát hiện các thiết bị công nghệ cao gây ảnh hưởng tới an toàn thi cần phải được tập huấn cụ thể, làm rõ hơn nữa đến từng cán bộ coi thi.

“Đội ngũ cán bộ coi thi cần tuyệt đối tuân thủ quy định, quy chế trong toàn bộ quá trình kỳ thi diễn ra từ đó nhằm phát hiện các thiết bị công nghệ cao”, ông Mạnh lưu ý.

 Ông Lê Minh Mạnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an.

Ông Lê Minh Mạnh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an.

Đại diện Bộ Công an cũng đánh giá do các thiết bị hiện nay ngày càng phát triển, có sự tham gia của AI, tuy nhiên dù sử dụng công nghệ nào thì vẫn cần có thiết bị điện tử thậm chí có những bộ định tuyến được cài vào đế giày vì vậy quan trọng nhất vẫn là công tác phát hiện.

“Các thiết vị ngày càng tinh vi mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng không thể hiểu quả bằng con người, vì vậy việc tập huấn phải được diễn ra đến từng cán bộ”, ông Lê Minh Mạnh phát biểu.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần linh hoạt khi bố trí phòng để đồ dùng thí sinh, thực hiện công tác tuyên truyền cho nhà dân gần trường nâng cao nhận thức không tiếp tay cho hoạt động gian lận.

Đại diện các địa phương, tại hội nghị bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tỉnh UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát các thông tin chưa được kiểm chứng trên không gian mạng gây hoang mang dự luận đối với kỳ thi.

Cùng với đó địa phương mong muốn được hỗ trợ trong công tác phát hiện thiết bị công nghệ cao và được đảm bảo an toàn lưới điện để thí sinh làm bài được tốt nhất.

Là một trong những nơi có số lượng thí sinh đông đảo ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM nhận thấy phần mềm chấm thi còn hạn chế khi vẫn xử lý thủ công gây khó khăn nếu có lượng bài thi đông.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương báo cáo thông tin chuẩn bị kỳ thi.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương báo cáo thông tin chuẩn bị kỳ thi.

Ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn luôn là hoạt động quan trọng, phức tạp nhạy cảm vì diễn ra trên toàn quốc ở nhiều vùng miền với số lượng lớn thí sinh lớn nhưng thời gian lại diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng 2 ngày.

Đây cũng là công việc áp lực vì được cả xã hội quan tâm vì đây là kỳ thi đánh giá quá trình 12 năm học của các em thí sinh nhưng cũng vừa đánh giá công tác quản lý, chất lượng dạy và học”.

Với tính chất phức tạp nhưng Thứ trưởng đánh giá đến nay công tác chuẩn bị của các tỉnh đã hết sức chu đáo, đảm bảo mọi điều kiện cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt hiệu quả.

Các địa phương đã chủ động tăng cường cơ sở vật chất, nắm vững số liệu, chủ động trong công tác chuyên môn với tinh thần với tất cả cán bộ tham gia đều phải được tập huấn theo chức năng nghiệp vụ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đề nghị quán triệt nghiêm túc đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hóa những nhiệm vụ được giao.

“Phải coi mỗi lần chỉ đạo là một lần mới, không được lấy kinh nghiệm có sẵn mà chủ quan trong công tác chỉ đạo thi, mọi khâu phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh”, ông Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đã có báo cáo về công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023).Thí sinh tự do: 46.978 chiếm 4,38% tổng số thi sinh; Thí sinh đăng ký trực tuyến: 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh.Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ: 66.927 thí sinh chiếm 6,25% tổng số thí sinh (Trong đó, Hà Nội có: 21.554 thí sinh; Tp.HCM có: 13.076 thí sinh).Tổng số điểm thi: 2.323 (tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023). Tổng số Phòng thi: 45.149.Ông Chương cũng cho biết qua theo dõi kiểm tra và qua làm việc trực tiếp còn phát hiện một số khó khăn cần khắc phục liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số địa phương còn gặp khó khăn hạn chế về không gian ăn ở cho đội ngũ in sao đề thi. Chỉnh sửa, duyệt hồ sơ của thí sinh còn để xảy ra tình trạng chậm duyệt so với lịch công tác.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-vi-kinh-nghiem-co-san-de-chu-quan-trong-viec-chi-dao-thi-a669201.html