Khủng hoảng Lebanon: Từ trong, ra ngoài

Bình luận về cuộc chiến tranh tại Yemen – nơi có sự can dự của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu; Bộ trưởng Thông tin Lebanon đang tạo ra cơn sóng gió ngoại giao cho Beirut khi các nước vùng Vịnh lần lượt rút Đại diện ngoại giao và kêu gọi công dân rời khỏi Lebanon.

Giữa lúc đất nước Lebanon đang “rối bời” trong những cuộc khủng hoảng từ kinh tế, tài chính, năng lượng, y tế…; Bộ trưởng Thông tin quốc gia này Kordahi lại có bình luận như “đổ thêm dầu vào lửa” khi chỉ trích sự can dự quân sự của Liên quân Arab tại Yemen vào ngày 27/10.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Saudi Arabia – quốc gia đứng đầu liên quân Arab đã có phản ứng tức thì – đó là trục xuất Đại sứ Lebanon tại Saudi Arabi, triệu hồi Đại sứ tại Lebanon về nước; cấm hàng hóa Lebanon được nhập sang quốc gia này.

Thể hiện “tình đoàn kết” với Saudi Arabia, các quốc gia đồng minh tại vùng Vinh, gồm Bahrain, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng có những động thái tương tự. Thậm chí UAE còn rút hết các nhân viên ngoại giao khỏi Lebanon, đồng thời khuyến cáo công dân UAE không tới quốc gia Arab này.

Chính phủ Libăng của Thủ tướng Najib Mikati đã phải họp khẩn, tiến hành các cuộc gặp, cuộc gọi hòa giải với các nước Arab vùng Vịnh, song vẫn chưa buộc Bộ trưởng Thông tin từ chức. Bởi điều này có thể ảnh hưởng đến chính phủ liên minh “non trẻ” mới được thành lập chưa đầy 2 tháng, sau hơn 1 năm Lebanon không có chính phủ. Thủ tướng Najib Mikati chỉ biết kêu gọi Bộ trưởng Thông tin Kordahi nên đặt “lợi ích quốc gia” lên hàng đầu. Tuy nhiên, ông Kordahi khẳng định, ông chỉ nói sự thật và không có bất kỳ hành động thù địch với Saudi Arabia.

“Việc buộc tội tôi có thái độ thù địch với Saudi Arabia là hoàn toàn sai. Với những người kêu gọi tôi từ chức, tôi nói rằng tôi là một phần của nội các gắn kết và tôi không thể đưa ra quyết định như vậy một mình mà phải cùng với chính phủ”, ông Kordahi nhấn mạnh.

Do đó, tình hình vẫn chưa thể hạ nhiệt, dù các nước Arab chưa công khai điều kiện để giải quyết vấn đề. Trong khi, người dân Lebanon, giữa bộn bề khủng hoảng, họ đang lo ngại mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn.

Liên đoàn Arab (AL) cũng đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình. Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit kêu gọi các nước vùng Vịnh "cân nhắc hành động, để tránh gây thêm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế vốn đang sụp đổ của Lebanon”

Hơn một năm sau các vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, tiến trình điều tra vụ nổ vẫn chưa có kết quả, trong khi suy thoái kinh tế-tài chính đang ngày càng tồi tệ, đe dọa sự ổn định của Lebanon. Tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong nhiều tháng qua, đồng nội tệ mất 90% giá trị, kéo giá cả các mặt hàng không ngừng leo thang, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Ngân hàng Thế giới (WB) miêu tả khủng hoảng kinh tế tại Lebanon là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc khủng hoảng ngoại giao của Libăng với các nước vùng Vịnh hiện nay, vốn đã có tác động 1 phần tới nên kinh tế do các lệnh cấm nhập hàng hóa của Saudi Arabia, nếu không được giải quyết sớm; đất nước Lebanon sẽ càng khó khăn hơn khi bị cô lập, thậm chí sẽ còn đối mặt thêm nhiều biện pháp cứng rắn hơn nữa từ các nước đồng minh của Saudi Arabia./.

Đình Nam/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/khung-hoang-lebanon-tu-trong-ra-ngoai-902204.vov