Kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ thành quả chống dịch Covid-19

Những ngày qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch của tỉnh cùng nỗ lực của các lực lượng tuyến đầu, các cơ quan chức năng và toàn dân, đến thời điểm này, tỉnh ta đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19.

Thành quả đó là do tỉnh ta đã chỉ đạo phân vùng, quản lý chặt khu điều trị F0, khu cách ly y tế tập trung và khu phong tỏa tại cộng đồng; tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị y tế; thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch; cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân Nhà máy may Tâm Việt (Phù Yên).

Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân Nhà máy may Tâm Việt (Phù Yên).

Ảnh: Khải Hoàn

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ diễn biến phức tạp và có thể kéo dài. Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trong nước đã nới lỏng giãn cách xã hội, do đó lực lượng lao động là công dân của tỉnh Sơn La sẽ trở về địa phương. Mặt khác, quá trình giao thương hàng hóa từ vùng có dịch đến vùng không có dịch nếu không kiểm soát chặt chẽ phương tiện và người lái, chủ hàng hóa, thì nguy cơ mang dịch vào địa bàn là không thể tránh khỏi.

Vì vậy, cùng với kịch bản của tỉnh và các địa phương đã xây dựng thì khi có tình huống dịch xảy ra, cần thực hiện nghiêm việc giãn cách; xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất: thôn, xóm, tổ, khu phố... Đồng thời, kiểm soát dịch nhanh nhất có thể và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp: Chấp hành nghiêm việc giãn cách và các quy định trong khu giãn cách; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp về y tế, như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội; tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng, nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0, nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.

Tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân. Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất, về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và hoạt động thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế, có như vậy mới làm chủ được tình hình để đưa ra phương án phòng chống dịch hiệu quả nhất.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/kiem-soat-chat-che-bao-ve-thanh-qua-chong-dich-covid19-43690