Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp: Tuyên truyền nâng cao ý thức người dân

Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm trong các tháng cuối năm, nông dân vừa thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung sản xuất nông nghiệp. Để bảo đảm chất lượng vật tư cho sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng lưu thông, đồng thời tuyên truyền tới các hộ dân chỉ mua vật tư ở những cơ sở có uy tín để tránh thiệt hại.

Sản xuất dưa lưới theo hướng an toàn ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quỳnh Ngọc

Số lượng cơ sở nhiều nhưng nhỏ lẻ

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin, toàn thành phố hiện có 17.709 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hầu hết cơ sở, doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất lớn, đa số quy mô nhỏ lẻ trong khu dân cư, thậm chí có những cơ sở kinh doanh thời vụ, đã gây khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát chất lượng của các cơ quan chức năng.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản phải thu hẹp quy mô, một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động…

Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, toàn huyện Ba Vì có 152 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y; 132 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 170 cơ sở kinh doanh phân bón; 140 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Trong công tác quản lý, huyện Ba Vì gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đa dạng nên công tác kiểm tra chưa được thường xuyên, nhất là khâu hậu kiểm; cán bộ trong lĩnh vực này còn kiêm nhiệm nên chưa sâu sát việc quản lý.

Cũng về vấn đề này, theo Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến, trong 7 tháng năm 2021, các đơn vị của Sở đã kịp thời yêu cầu khắc phục các vi phạm về lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Theo đó, đã xử phạt 6 tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật với số tiền hơn 44,8 triệu đồng; xử phạt 1 cơ sở giống cây trồng vật nuôi với số tiền 15 triệu đồng… Nhìn chung, các lỗi vi phạm chủ yếu là cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhưng vẫn hành nghề; bán sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn công bố hoặc còn bán sản phẩm đã hết hạn sử dụng… ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng

Để giám sát chất lượng các loại vật tư nông nghiệp bán ra thị trường, không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, ông Phạm Đức Tuân, chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) cho rằng: “Muốn có sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin bảo đảm chất lượng, tôi phải tìm hiểu kỹ xem thuốc có nằm trong danh mục được Bộ NN&PTNT cho lưu hành hay không thì mới nhập về. Ngoài ra, cửa hàng cũng tìm hiểu kỹ đối tượng được sử dụng thuốc, cách sử dụng, liều lượng phù hợp để hướng dẫn cho nông dân sử dụng an toàn và hiệu quả”.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục thống kê, rà soát, đánh giá xếp loại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Chính quyền các địa phương cần tăng cường quản lý, theo dõi sát sao, phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán giống, phân bón vật tư nông nghiệp kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục mở các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn nhằm hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để nâng cao hiệu quả trong quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất, giám sát chất lượng sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường công tác thông tin, phối hợp với các lực lượng công an, quản lý thị trường trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Ngọc Sơn lưu ý, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc lựa chọn vật tư nông nghiệp, nên mua ở những cơ sở đã được cơ quan quản lý nhà nước công bố, chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Còn đối với người dân, khi có bất kỳ thông tin phản ánh hoặc nghi ngờ các vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp (thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, phân bón...) nên báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/1010448/kiem-soat-chat-luong-vat-tu-nong-nghiep-tuyen-truyen-nang-cao-y-thuc-nguoi-dan