Kiểm soát lạm phát

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang đối mặt với lạm phát tăng cao chưa từng có, nguy cơ kinh tế toàn cầu suy giảm, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt lạm phát nhưng sức ép từ nhiều phía khiến cơ quan điều hành phải thận trọng khi sử dụng chính sách tiền tệ, tài khóa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, kinh tế đất nước đã có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý 2 đạt 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng 2022, GDP tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực kinh doanh, dịch vụ tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước đại dịch. 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp, trong đó trên 76.000 doanh nghiệp thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chuyên gia tài chính, CPI tăng là điều khó tránh khỏi khi giá xăng dầu liên tục tăng; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào; chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được nối lại, cộng thêm tác động từ chiến sự giữa Nga-Ukraine. Trong khi sản xuất hàng hóa của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.

Dự báo, CPI sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm nếu Chính phủ không có những quyết sách phù hợp để kiểm soát nhập khẩu lạm phát đang đẩy mặt bằng giá tăng cao.

Để đối phó với tình trạng lạm phát cao, ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất và điều chỉnh tỷ giá. Tuynhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Để kiểm soát cung tiền - yếu tố tác động đến lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cân nhắc kỹ việc nới room tăng trưởng tín dụng để kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. Bởi, đến đầu tháng 6/2022, tín dụng đã tăng 8,5% so với cuối năm 2021.

Trước áp lực điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bán ra ngoại tệ để giữ ổn định thị trường. Song cách này cũng không thể duy trì lâu dài vì Quỹ dự trữ ngoại tệ dù đã lớn hơn trước nhiều nhưng không phải vô tận. Do đó, để kiểm soát lạm phát hơn lúc nào hết cần phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và kiểm soát giá.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, việc theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay là nhiệm vụ đầy thách thức. Lạm phát cao sẽ khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sức mua giảm. Cầu giảm khiến cung-sản xuất hàng hóa sẽ giảm và dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Chính vì thế, trước mắt chúng ta cần tập trung vào mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát, không chốt cứng ở con số 4%. Bởi mức lạm phát 4% mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra là mức bằng với nhiều năm trước khi thế giới và trong nước không phải chịu nhiều tác động tiêu cực như hiện nay.

Mặt khác, các gói tài chính giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ được giải ngân mạnh trong thời gian tới cũng sẽ tác động đến lạm phát.

Chính phủ xác định, trong các tháng còn lại của năm 2022, cần giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Việc giữ ổn định các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá như y tế, giáo dục, điện nước..., cùng với điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu xuống mức sàn trong khung thuế đến hết năm 2022 sẽ tạo cơ sở cho việc kiểm soát mặt bằng giá và lạm phát chung.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kiem-soat-lam-phat-post452530.html