Kiểm soát tốc độ trên cao tốc: Giải pháp nào để giảm thiểu tai nạn?
Với hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến tốc độ thời gian vừa qua, đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc về những giải pháp căn cơ để kiểm soát tốc độ xe trên cao tốc, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người tham gia giao thông.
“Cạm bẫy” chết người
Tốc độ cao là con dao hai lưỡi trên đường cao tốc. Một mặt, nó giúp rút ngắn thời gian di chuyển, nhưng mặt khác, sự thiếu kiểm soát có thể biến những cung đường hiện đại thành “cạm bẫy” chết người.

Việc tuân thủ giới hạn tốc độ cho phép sẽ giúp lái xe dễ dàng xử lý tình huống trên đường, hạn chế các tai nạn đáng tiếc. (Ảnh minh họa)
Di chuyển với tốc độ cao, người lái có ít thời gian hơn để xử lý các tình huống bất ngờ như chướng ngại vật, xe khác phanh đột ngột, hoặc điều kiện thời tiết thay đổi. Điều này đồng nghĩa với làm giảm thời gian phản ứng, tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Tốc độ càng cao, quãng đường cần để xe dừng hẳn càng dài, làm tăng khả năng va chạm khi cần phanh gấp. Hơn nữa, điều khiển xe trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi vào cua, chuyển làn hoặc trong điều kiện đường trơn trượt.
Tai nạn ở tốc độ cao thường gây ra những va chạm cực kỳ nghiêm trọng, dẫn đến hư hỏng nặng nề cho phương tiện và chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong cho người ngồi trong xe. Đây là hậu quả đau lòng nhất. Bên cạnh đó, những người sống sót sau tai nạn hoặc chứng kiến tai nạn có thể phải chịu đựng các di chứng tâm lý kéo dài như rối loạn căng thẳng sau sang chấn, sợ hãi khi lái xe hoặc tham gia giao thông.
Chạy xe dưới tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc cũng có thể gây nguy hiểm vì gây cản trở giao thông, làm chậm lưu lượng giao thông, đặc biệt là trên các tuyến đường có lưu lượng lớn. Hơn nữa, sự chênh lệch tốc độ lớn giữa các phương tiện có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm như phanh gấp, va chạm hoặc gây ùn tắc, làm giảm hiệu quả vận hành của tuyến đường.
Không chỉ thiệt hại phương tiện, gây tổn thất lớn về tài chính cho chủ sở hữu (như chi phí y tế, chi phí sửa chữa xe, chi phí pháp lý và các khoản bồi thường thiệt hại…), tai nạn trên cao tốc còn có thể làm hư hỏng các cơ sở hạ tầng giao thông như dải phân cách, đèn đường, biển báo, hàng rào bảo vệ, gây tốn kém chi phí sửa chữa.
Người điều khiển xe quá tốc độ còn bị xử phạt vi phạm hành chính, có thể bao gồm phạt tiền, tước giấy phép lái xe trong một thời gian nhất định, hoặc tạm giữ phương tiện.
Nghị định 168 quy định, lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h sẽ bị phạt 800.000-1 triệu đồng. Với tốc độ chạy quá từ 10km/h đến 20km/h, tài xế ô tô sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng.
Nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 20km/h đến dưới 35km/h sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng. Còn tài xế điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h, mức xử phạt là 12-14 triệu đồng.
Không chỉ đi quá tốc độ, điều khiển xe chạy dưới tốc độ cho phép trên cao tốc cũng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trong trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người hoặc gây thương tích nặng, người lái có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi lái xe không tuân thủ tốc độ giới hạn trên cao tốc có thể xuất phát từ một vài nguyên nhân.
Về phía người điều khiển phương tiện, chủ yếu vẫn là do tâm lý chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu, không tuân thủ biển báo. Về hạ tầng, mặc dù cao tốc thường có hệ thống tốt hơn đường thông thường, song trong một số trường hợp, biển báo chưa rõ ràng, thiếu hệ thống cảnh báo sớm, phương tiện giám sát còn chưa thực sự hiện đại và đồng bộ cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Việc lái xe không kiểm soát tốc độ và không tuân thủ quy tắc giao thông tạo ra mối nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn cho tất cả những người tham gia giao thông khác. Do đó, kiểm soát tốc độ không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn là thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với an toàn của chính mình và cộng đồng.
Nâng cao ý thức, ứng dụng công nghệ để kiểm soát tốc độ
Để kiểm soát tốc độ xe trên cao tốc, có thể sử dụng nhiều giải pháp kết hợp, bao gồm: giới hạn tốc độ, hệ thống giám sát giao thông thông minh, nâng cao ý thức lái xe và tăng cường việc thi hành pháp luật về giao thông…
Điều 9 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT nêu rõ, tốc độ khai thác tối đa cho phép trên đường cao tốc là 120 km/h. Tốc độ khai thác tối thiểu cho phép trên đường cao tốc là 60 km/h. Trường hợp đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60 km/h thì tốc độ khai thác tối thiểu thực hiện theo phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để đảm bảo an toàn cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 cũng đã đưa ra một số quy định rõ ràng về việc lái xe trên đường cao tốc. Một trong những quy định quan trọng nhất khi lái xe trên đường cao tốc là việc tuân thủ tốc độ. Luật yêu cầu lái xe phải tuân thủ tốc độ tối đa và tối thiểu được quy định trên biển báo giao thông.

Xử phạt vi phạm tốc độ trên cao tốc. (Ảnh minh họa)
Đối với lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đây là lỗi phổ biến nhất, hay bị phạt nguội trên các tuyến cao tốc. Khi đi đường dài, tài xế hay có tâm lý chủ quan, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định. Hiện nay, trên nhiều tuyến cao tốc đã đã được trang bị hệ thống camera giám sát tốc độ tự động, vi phạm sẽ bị ghi lại và gửi về trung tâm xử lý, làm cơ sở xử phạt.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với các tài xế chạy quá tốc độ, việc xử phạt đối với hành vi chạy dưới tốc độ tối thiểu được đánh giá có tác dụng răn đe đối với các lái xe đi trên cao tốc - hành vi gây nguy cơ cao dẫn tới ùn tắc, nhất là trong thời gian cao điểm.
Mặc dù Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã quy định về mức xử phạt cho hành vi vi phạm tốc độ, tuy nhiên các lái xe cũng cần tự nâng cao ý thức chấp hành, cũng như kỹ năng của bản thân để đảm bảo đúng tốc độ di chuyển trên đường, qua đó đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân cũng như lái xe khác trên đường.
Đối với cơ quan quản lý, để góp hạn chế tình trạng người điều khiển phương tiện không tuân thủ quy định về tốc độ giới hạn trên các tuyến đường cao tốc, có thể bố trí đặt biển báo giới hạn phù hợp với điều kiện đường, thời tiết và mật độ giao thông. Sử dụng các biển báo tốc độ rõ ràng và dễ đọc để cảnh báo người lái xe về giới hạn tốc độ. Sử dụng gờ giảm tốc và vạch kẻ đường để nhắc nhở người lái xe về giới hạn tốc độ.
Đồng thời, sử dụng hệ thống giám sát giao thông thông minh. Trang bị hệ thống biển báo điện tử và âm thanh cảnh báo để thông báo tốc độ của phương tiện và cảnh báo khi xe vượt quá tốc độ quy định.
Những giải pháp đa chiều, từ công nghệ hiện đại đến các biện pháp giáo dục và chế tài nghiêm khắc sẽ góp phần tạo nên môi trường giao thông chuẩn mực và an toàn hơn trên các tuyến cao tốc.
Quy định mới về tốc độ trên đường cao tốc từ năm 2025
Theo Điều 9 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT quy định:
- Tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 120 km/h.
- Tốc độ tối thiểu trên đường cao tốc là 60 km/h (trừ trường hợp đặc biệt, sẽ áp dụng theo phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
- Tốc độ tối đa, tối thiểu cụ thể được xác định trên biển báo giao thông tại từng đoạn tuyến, bao gồm cả các nhánh ra/vào đường cao tốc.
Chạy quá tốc độ
Áp dụng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức phạt với xe ô tô như sau:
- Vượt 05 – dưới 10 km/h: Phạt 800.000 – 1.000.000 đồng
- Vượt 10 – 20 km/h: Phạt 4 – 6 triệu đồng, trừ 2 điểm GPLX
- Vượt 20 – 35 km/h: Phạt 6 – 8 triệu đồng, trừ 4 điểm GPLX
- Vượt trên 35 km/h: Phạt 12 – 14 triệu đồng, trừ 6 điểm GPLX
- Gây tai nạn giao thông khi chạy quá tốc độ: Phạt 20 – 22 triệu đồng, trừ 10 điểm GPLX