Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm lây sang người

Trong thời gian tới, ngành Thú y cần tập trung các nguồn lực để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các bệnh nguy hiểm lây sang người. Đồng thời, ngành phải kết hợp chặt chẽ với ngành chăn nuôi xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Thú y. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Thú y. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nội dung này khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Thú y Việt Nam (11/7/1950-11/7/2020) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức sáng 11/7 tại Hải Phòng. Cùng dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Ngày 11 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 125-SL về bài trừ dịch tễ. Đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên của nước ta về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Trên cơ sở đó, Ngành Thú y Việt Nam đã từng bước được xây dựng, phát triển mạnh mẽ, bám sát các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước.

Để ghi nhận những cống hiến, phát huy vai trò và truyền thống của Ngành Thú y, ngày 12 tháng 7 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 11 tháng 7 là "Ngày truyền thống của Ngành Thú y”.

Trong 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Thú y đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, xây dựng dược hệ thống thú y các cấp, các doanh nghiệp hoạt động về thú y ngày càng lớn mạnh, có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất các sản phẩm chăn nuôi và các sản phẩm thú y.

Đặc biệt, chúng ta có 10 doanh nghiệp sản xuất được trên 150 sản phẩm vaccine các loại; sản xuất được hầu hết các loại vaccine quan trọng phòng các bệnh như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, dại và nhiều sản phẩm phục vụ công tác chẩn đoán, xét nghiệm.

Trong thời gian tới, ngành thú y sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các phần mềm trực tuyến trong công tác kiểm dịch, quản lý thuốc thú y, chẩn đoán bằng hình ảnh, giám sát dịch bệnh động vật, xây dựng vùng, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh. Ngành thú y cũng sẽ ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine thế hệ mới, các sản phẩm để chẩn đoán, xét nghiệm, phòng chống các bệnh nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong những năm qua

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong những năm qua

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, trải qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Thú y Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành vẻ vang mọi nhiệm vụ được giao trên các mặt trận phòng - chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ và quản lý thuốc thú y...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định ngành Thú y đã góp phần quan trọng trong phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu; đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Ngành Thú y đã tổ chức triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật, kiểm soát và ngăn ngừa nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan sang người như bệnh cúm gia cầm, bệnh nhiệt thán, bệnh dại,… Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế như bệnh lở mồm long móng, tai xanh...

Gần đây, ngành Thú y Việt Nam đã đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát, từng bước đẩy lùi bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đây là tiền đề quan trọng để khôi phục ngành chăn nuôi, dần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương và chúc mừng những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, người lao động của ngành Thú y Việt Nam đã đạt được trong suốt 70 năm qua.

Đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi

Trong dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng trình Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực, một trong những mục tiêu quan trọng là khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong khi đó, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy - hải sản đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm xuyên biên giới, đe dọa sự phát triển ổn định và bền vững của ngành chăn nuôi.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ kỷ niệm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Thú y Việt Nam là hết sức nặng nề nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái; cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao cho người dân và xuất khẩu.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ những vấn đề quan trọng ngành Thú y cần quyết liệt triển khai trong thời gian tới.

Trước hết, tập trung các nguồn lực để kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các bệnh nguy hiểm lây sang người; đồng thời, cùng với ngành chăn nuôi xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngành Thú y cần tổ chức tốt công tác kiểm soát giết mổ; quản lý kháng kháng sinh, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, ngành Thú y cần tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Khẩn trương tổ chức thực hiện kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở, bảo đảm lực lượng tổ chức có hiệu quả công tác thú y, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y phối hợp với các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về thú y. Cục Thú y phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động của việc thay đổi, sáp nhập hệ thống thú y các cấp. Từ đó, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tăng cường năng lực ngành Thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng thời, cần bảo đảm đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh động vật.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Thú y.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong những năm qua.

Nhật Bắc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/kiem-soat-tot-cac-loai-dich-benh-nguy-hiem-lay-sang-nguoi/400503.vgp