Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ nhiều bất cập trong quản lý giá điện

Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý giá điện giai đoạn 2022-2023, ảnh hưởng đến tính minh bạch, hiệu quả thị trường và quyền lợi người tiêu dùng.

Xây dựng khung giá điện chưa đúng quy định

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố cho thấy, nhiều vấn đề tồn tại từ khâu xây dựng khung giá phát điện, vận hành thị trường điện cạnh tranh đến cơ chế điều chỉnh chi phí trong hoạt động sản xuất, truyền tải điện; xây dựng khung giá điện.

Đáng chú ý, việc hợp nhất giá điện giữa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 Mở rộng không có cơ sở pháp lý. Trong khi đó, các nguyên tắc được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) áp dụng khi xây dựng khung giá bán buôn điện năm 2022-2023 lại không được quy định tại quyết định của Bộ Công Thương.

 Việc hợp nhất giá điện giữa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng không có cơ sở pháp lý.

Việc hợp nhất giá điện giữa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng không có cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, EVN sử dụng lãi tiền gửi dự kiến của năm tính toán (năm N) thay vì lãi của năm N-2 khi xác định giá truyền tải - trái với quy định tại Thông tư 02/2017/TT của Bộ Công Thương quy định về phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện. Những sai lệch này có thể dẫn đến biến động giá điện không phản ánh đúng chi phí thực tế.

Một vấn đề cũng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là công suất hoạt động của nhiều nhà máy điện do EVN quản lý chỉ dưới 50%. Chẳng hạn, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng hoạt động ở mức 6,5% vào năm 2022 và 30% năm 2023. Tỷ lệ điện tự dùng và tổn thất điện năng tại một số đơn vị như EVNGENCO2, EVNNPT vượt xa kế hoạch được giao, làm tăng chi phí sản xuất điện.

Công tác xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa sát thực tế. Việc giao và phê duyệt kế hoạch sửa chữa lớn tài sản cố định tại các công ty thuộc EVN cũng bị đánh giá là thiếu căn cứ thực tiễn, dẫn đến tỷ lệ hoàn thành sửa chữa thấp và ảnh hưởng đến giá phát điện trong đàm phán hợp đồng điện những năm tiếp theo.

Khó minh bạch giá điện

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc kiểm soát chi phí đầu tư và giá mua điện còn khoảng trống pháp lý. Hiện tại, chưa có quy định cụ thể để kiểm soát tổng mức đầu tư làm đầu vào tính giá phát điện với các nhà máy không sử dụng vốn nhà nước. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thổi phồng chi phí để tăng giá bán điện.

Đến nay, chưa có chế tài xử lý các nhà máy chậm lập hồ sơ đàm phán hợp đồng mua bán điện. Việc huy động nhà máy do yêu cầu an ninh năng lượng vẫn chưa có tiêu chí, điều kiện và thẩm quyền phê duyệt rõ ràng. Những vướng mắc trong cơ chế thanh toán tiền điện với nhà máy thủy điện nhỏ cũng chưa được tháo gỡ.

Đáng chú ý, dù đã được triển khai hơn một thập kỷ, nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập. Theo đánh giá, các nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOT, thủy điện đa mục tiêu... chưa thực sự tham gia thị trường theo đúng yêu cầu của Bộ Công Thương. Trong khi đó, Công ty Mua bán điện thuộc EVN vẫn là đơn vị nắm vai trò chính trong giao dịch điện, làm giảm tính cạnh tranh và khó minh bạch giá điện.

Trách nhiệm cũng được chỉ rõ đối với Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực (nay là Cục Điện lực). Đến hết năm 2023, các đơn vị này vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán giá điện trong trường hợp phải huy động từ nhà máy để đảm bảo an ninh năng lượng. Khung giá bán buôn điện năm 2023 cũng chưa được phê duyệt, khiến việc xác định giá điện thiếu cơ sở pháp lý và không thống nhất.

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế xây dựng, điều chỉnh giá điện. Cụ thể minh bạch hóa chi phí đầu vào, đặc biệt là tổng mức đầu tư và chi phí sửa chữa, bảo trì - để tránh tình trạng đội giá không kiểm soát; xây dựng tiêu chí cụ thể về việc huy động, vận hành và thanh toán điện từ các nhà máy không thuộc EVN, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thị trường, an ninh năng lượng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị tăng cường vai trò giám sát của cơ quan điều tiết, trong việc chủ động kiểm tra các tính toán giá điện của EVN thay vì chỉ tiếp nhận báo cáo...

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kiem-toan-nha-nuoc-chi-ro-nhieu-bat-cap-trong-quan-ly-gia-dien-post1761411.tpo