Kiểm tra đột xuất để nâng cao chất lượng cải cách hành chính

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính. Một trong những giải pháp được duy trì hiệu quả là thường xuyên kiểm tra, trong đó tăng cường kiểm tra đột xuất. Ngày 27-7-2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về Kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2020. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà xung quanh nội dung này.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.

Liên tục giữ vị trí thứ hai về cải cách hành chính

- Trong 3 năm gần đây, thành phố Hà Nội liên tục giữ vững vị trí xếp hạng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Đồng chí có thể cho biết khái quát về kết quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn?

- Công tác cải cách hành chính luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, một trong ba khâu đột phá trong giai đoạn 2016-2020. Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện cụ thể, quyết liệt theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt” và có nhiều đổi mới, sáng tạo. Toàn bộ 6 nội dung của công tác cải cách hành chính (cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính) được thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả rõ nét.

Điển hình là thành phố tiếp tục thực hiện tốt khâu chuẩn hóa thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính của thành phố đều được thực hiện tại bộ phận “một cửa”. Tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 91%.

Đáng chú ý, kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng phục vụ nhân dân có nhiều chuyển biến. Trong 3 năm (2017, 2018, 2019), thành phố Hà Nội liên tục giữ vững vị trí xếp hạng thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về PAR Index.

- Một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính là kiểm tra công vụ. Vậy thành phố đã thực hiện nội dung này như thế nào thưa đồng chí?

- Công tác kiểm tra công vụ được thành phố chỉ đạo tổ chức thường xuyên, có chiều sâu, tập trung vào những vấn đề bức xúc của công dân, tổ chức và doanh nghiệp hoặc những nội dung được Thành ủy, UBND thành phố tập trung chỉ đạo. Trong năm 2019, nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm đã được thành phố chỉ đạo kịp thời, xác định trách nhiệm cụ thể và đề xuất biện pháp giải quyết, xử lý nghiêm các vi phạm. Nhờ đó đã giúp phát hiện các trường hợp có những thiếu sót, khuyết điểm trong thực thi công vụ, vi phạm văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hay việc chậm muộn trong giải quyết thủ tục hành chính với công dân, tổ chức, qua đó chấn chỉnh kịp thời, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Vì thế, hoạt động này sẽ được tiến hành thường xuyên, bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Tăng cường kiểm tra đột xuất và tái kiểm tra

- UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về Kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2020. Xin đồng chí cho biết, nội dung cơ bản của kế hoạch này và sự khác biệt so với Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 30-12-2019 về Kiểm tra công vụ năm 2020?

- Kế hoạch số 155/KH-UBND xác định công tác kiểm tra cải cách hành chính năm 2020 tập trung vào các nội dung: Việc triển khai và thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 của cơ quan, đơn vị (tính đến thời điểm kiểm tra); việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ thành phố giao tại các kế hoạch liên quan đến công tác cải cách hành chính năm 2020…

Như vậy, có thể thấy, nếu như Kế hoạch số 273/KH-UBND tập trung chính vào các nội dung liên quan đến công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; vấn đề về kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức..., thì Kế hoạch số 155/KH-UBND sẽ kiểm tra sâu, toàn diện 6 lĩnh vực về công tác cải cách hành chính. Qua kiểm tra sẽ tìm kiếm những sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình hiệu quả hay để có phương án nhân rộng trong toàn thành phố.

Thực hiện kế hoạch này, cùng với việc kiểm tra định kỳ, thành phố tăng cường kiểm tra đột xuất, sẽ tái kiểm tra trong trường hợp cần thiết.

- Kế hoạch số 155/KH-UBND đề cập đến việc tập trung kiểm tra các lĩnh vực có kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) thấp. Đây có phải là biện pháp nhằm nâng cao các chỉ số này của thành phố trong thời gian tới không, thưa đồng chí?

- Đúng vậy. Với quan điểm “Người dân là trọng tâm của quá trình phát triển, là “khách hàng” với đầy đủ khả năng đánh giá chất lượng phục vụ của Nhà nước và chính quyền các cấp”, công tác cải cách hành chính của thành phố luôn hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Những năm gần đây, công tác cải cách hành chính của thành phố được Trung ương đánh giá cao khi xếp hạng chỉ số PAR Index luôn trong nhóm địa phương dẫn đầu; tuy nhiên, kết quả chỉ số PAPI và chỉ số SIPAS còn thấp. Vì vậy, việc kiểm tra lần này sẽ đánh giá cả hiệu quả của công tác cải cách hành chính, thông qua kết quả các chỉ số đánh giá như: PAR Index, PAPI, SIPAS.

- Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về những lĩnh vực, thời gian sẽ kiểm tra?

- Bên cạnh việc kiểm tra các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn, đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các lĩnh vực có kết quả chỉ số PAPI, SIPAS thấp như: Tài nguyên và môi trường; xây dựng; quy hoạch - kiến trúc; tài chính; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; y tế; thanh tra; tư pháp… Thời gian kiểm tra là từ tháng 8 đến tháng 12-2020.

- Các đơn vị được kiểm tra cần thực hiện những nội dung gì để làm tốt công tác cải cách hành chính của đơn vị, góp phần nâng cao kết quả chung của thành phố?

- Song song với việc tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, UBND thành phố cũng chỉ đạo việc tự kiểm tra của các cơ quan, đơn vị. Vì vậy, tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đều phải có trách nhiệm triển khai đầy đủ kế hoạch cải cách hành chính năm 2020, các kế hoạch liên quan đến công tác cải cách hành chính của thành phố và chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị.

Các đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin, tài liệu, nội dung theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Những đơn vị đã được đoàn kiểm tra chỉ ra tồn tại, hạn chế cần khắc phục ngay để bảo đảm chất lượng công tác cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hiền Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/975988/kiem-tra-dot-xuat-de-nang-cao-chat-luong-cai-cach-hanh-chinh