Kiên Giang xây dựng kế hoạch chống buôn lậu và gian lận thương mại

Là tỉnh có đường biên giới bộ tiếp giáp với Vương quốc Campuchia dài hơn 56 km và có Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu Giang Thành nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.

Cán bộ Quản lý thị trường Kiên Giang kiểm tra tại cửa hàng mỹ phẩm ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Cán bộ Quản lý thị trường Kiên Giang kiểm tra tại cửa hàng mỹ phẩm ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Vì vậy, việc đấu tranh, phòng chống và xử lý các hành vi vi phạm được ngành chức năng của tỉnh đặc biệt chú trọng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang Nguyễn Quốc Thơ cho biết, trong những tháng đầu năm 2024 tình hình vi phạm pháp luật của thương nhân kinh doanh trên địa bàn vẫn còn xảy ra, các hành vi vi phạm chủ yếu như kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa, vi phạm về đo lường chất lượng... các vụ việc vi phạm được phát hiện xử lý, đúng quy định pháp luật và không phát sinh điểm nóng.

Để phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được hiệu quả trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra về điều kiện kinh doanh, chấp hành nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa…

Cùng với đó, đơn vị chỉ đạo các đội quản lý thị trường đóng trên địa bàn khảo sát, giám sát nắm chắc để có báo cáo và thống kê tất cả các điểm kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm có nguy cơ là hàng lậu, hàng giả… để chủ động kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Trong số đó, đặc biệt chú ý những đối tượng thường xuyên có các hành vi vi phạm trước đây, các địa bàn biên giới, các thành phố lớn như: Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên, những địa bàn có những kho bãi trung gian tập kết, vận chuyển tiêu thụ.

“Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường thông tin, tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vận động người dân tố giác tội phạm, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật này; vận động hộ kinh doanh ký cam kết “nói không với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, ông Nguyễn Quốc Thơ thông tin thêm.

Bà Quách Mỹ Quý, Chủ cửa hàng mỹ phẩm Khánh Ngọc, phường Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá chia sẻ, gia đình kinh doanh hơn 100 loại mỹ phẩm từ trước năm 1990 đến nay và vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của khách hàng quen thuộc vì sự uy tín trong kinh doanh mua bán của cửa hàng. Bà Quý cho hay, những năm qua cũng có rất nhiều nhân viên sale đến tư vấn mời mua nhiều dòng sản phẩm với giá rất thấp, tuy nhiên tất cả các hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xử rõ ràng nên cửa hàng không giao dịch.

Cán bộ Quản lý thị trường Kiên Giang kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng bách hóa tổng hợp ở phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Cán bộ Quản lý thị trường Kiên Giang kiểm tra hàng hóa tại cửa hàng bách hóa tổng hợp ở phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

“Nếu tôi lấy bán các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái để bán sẽ có lời rất nhiều so với các dòng sản phẩm của hãng. Tuy nhiên, lương tâm của tôi không cho phép, vì các loại mỹ phẩm này có thể gây hư da, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng của khách hàng. Hơn nữa, việc làm ăn bất chính này sớm hay muộn cũng bị ngành chức năng phát hiện và bị xử phạt nên gia đình rất thận trọng trong việc kiểm tra nguồn gốc, giấy tờ đầy đủ mới mua bán”, bà Quý chia sẻ.

Ông Phù Quách, chủ cửa hàng bách hóa Lý Hồng Phát, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá chia sẻ, nhờ cán bộ quản lý thị trường, công an thường xuyên nhắc nhở những hành vi, thủ đoạn của các đối tượng mua bán hàng nhập lậu, hàng giả nên cửa hàng bách hóa tổng hợp của ông đề cao cảnh giác. Thời gian qua cũng có nhiều người chở hàng như sữa, bánh, mứt, thuốc lá, đường cát… không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ muốn bỏ sỉ cho cửa hàng, nhưng ông từ chối vì cửa hàng đã ký cam kết “nói không với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, những tháng đầu năm tình hình vận chuyển hàng nhập lậu diễn biến khá phức tạp, chủ yếu các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu… Các đối tượng cũng thường lợi dụng những thời điểm thay ca đổi gác, thời tiết bất lợi… để lén lút vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua biên giới xảy ra ở nhiều địa bàn với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động gây khó khăn, vất vả cho các lực lượng trong đấu tranh, ngăn chặn.

“Thời gian tới, đơn vị thực hiện nghiêm các kế hoạch chống buôn lậu cấp trên chỉ đạo; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, ngành chức năng thành phố Hà Tiên trao đổi thông tin, nắm chặt tình hình, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không tiếp tay, bao che và kịp thời tố giác đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại để phòng chống, đấu tranh ngăn chặn buôn lậu đạt hiệu quả ”, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng của đơn vị đã tiến hành kiểm tra 329 cơ sở, phát hiện 82 vụ vi phạm, xử lý 116 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách trên 3,7 tỷ đồng (phạt hành chính gần 3,3 tỷ đồng, bán hàng hóa tịch thu gần 470 triệu đồng).

Các mặt hàng vi phạm nổi cộm như thuốc bảo vệ thực vật, hàng điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, thức ăn thủy sản, rượu… với các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm về đo lường, chất lượng. Đơn vị cũng đã thực hiện ký 1.125 bản cam kết “nói không với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Văn Sĩ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kien-giang-xay-dung-ke-hoach-chong-buon-lau-va-gian-lan-thuong-mai/332770.html