Kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn sang dự án giải ngân tốt

Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, nhiều đại biểu quan tâm về nội dung giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp. Giải trình tại hội trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương khẳng định Thái Nguyên nằm trong nhóm những địa phương giải ngân cao hơn mức trung bình chung cả nước. Đồng thời, để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao, sẽ chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt...

Chủ tọa kỳ họp điều hành phiên giải trình. Ảnh: Mạnh Hùng

Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt 41,38%

Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thảo luận tại tổ về các nội dung trình Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, đã có 68 ý kiến của các đại biểu liên quan đến nhiều nội dung được đông đảo cử tri, Nhân dân trong tỉnh quan tâm.Nhất là làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, kết quả giải ngân vốn đầu tư công kéo dài sang năm 2024 và giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm nhằm kịp thời điều chỉnh, điều chuyển vốn đầu tư công cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân, bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân năm 2024.

Đại biểu Phạm Việt Dũng phát biểu thảo luận tại tổ 1. Ảnh: An Nhiên

Đại biểu Phạm Việt Dũng phát biểu thảo luận tại tổ 1. Ảnh: An Nhiên

Báo cáo giải trình tại hội trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương cho biết: kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên đến hết tháng 5.2024 là 1.453,584 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 16,96% kế hoạch vốn địa phương giao, nằm trong nhóm những địa phương giải ngân cao hơn mức trung bình chung cả nước (trung bình chung cả nước đạt 22,34%). Dự kiến đến hết tháng 6.2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 41,38% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư của một số dự án; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, đất đai, đánh giá tác động môi trường, chuyển mục đích sử dụng rừng... theo quy định của pháp luật chuyên ngành cần nhiều thời gian để thực hiện; một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2023 chậm được ban hành dẫn tới khó khăn trong lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công tác đấu thầu của một số dự án…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương giải trình tại hội trường. Ảnh: Mạnh Hùng

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Dương giải trình tại hội trường. Ảnh: Mạnh Hùng

Để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, đất đai, đánh giá tác động môi trường, bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư của các dự án... theo quy định; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…

Điều chỉnh phương án xét tuyển cho học sinh có nhiều nguyện vọng

Tại các tổ thảo luận, nhiều nội dung được cử tri, người dân quan tâm đã được các đại biểu kiến nghị. Trong đó, cử tri thời gian qua rất quan tâm đến chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT). Mặc dù số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 tham dự kỳ thi THPT liên tục tăng qua các năm, tuy nhiên chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Phần lớn các gia đình mong muốn con, cháu được tiếp tục theo học tại các cơ sở giáo dục THPT công lập.

Giải trình tại hội trường nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Việt Đức nhấn mạnh: để tăng số học sinh vào học ở các trường THPT, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm theo hướng tăng số lớp, số học sinh tối đa mà các trường THPT, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có thể đáp ứng được (căn cứ vào đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…), nhất là các trường có nguồn tuyển sinh ở khu vực đông dân cư, áp lực tuyển sinh lớn. Đồng thời, điều chỉnh phương án xét tuyển nhằm tạo điều kiện cho học sinh có nhiều nguyện vọng đăng ký vào học các trường THPT, hạn chế tối đa số học sinh có điểm cao nhưng không được học ở các trường THPT công lập. Đồng thời, quy hoạch xây dựng thêm 3 trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Việt Đức giải trình tại hội trường. Ảnh: Mạnh Hùng

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Việt Đức giải trình tại hội trường. Ảnh: Mạnh Hùng

Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để mở trường THPT ngoài công lập; làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường giáo dục hướng nghiệp ở cấp Trung học cơ sở để tăng số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở có nhu cầu học nghề để vừa đáp ứng nhu cầu học sinh vào học THPT, vừa bảo đảm mục tiêu phân luồng sau Trung học cơ sở. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Nâng cao chất lượng giáo dục tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết vấn đề việc làm, để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn phù hợp với năng lực, nhu cầu.

TRẦN THU - AN NHIÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/kien-quyet-dieu-chinh-ke-hoach-von-sang-du-an-giai-ngan-tot-i377319/