Kiên quyết xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa vừa ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường xảy ra tại Xí nghiệp Đèn ống - Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (gọi tắt là Công ty Điện Quang, đóng tại đường số 3, Khu công nghiệp Biên Hòa 1, P.An Bình, TP.Biên Hòa).

Cơ quan chức năng sử dụng máy khoan cắt bê tông để khai quật, xác định số lượng chất thải nguy hại được đổ tại Xí nghiệp Đèn ống, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Anh Quân

Cơ quan chức năng sử dụng máy khoan cắt bê tông để khai quật, xác định số lượng chất thải nguy hại được đổ tại Xí nghiệp Đèn ống, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Anh Quân

Khởi tố vụ án hình sự là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm. Trong trường hợp nêu trên, việc khởi tố một vụ án để điều tra về hành vi gây ô nhiễm môi trường là một động thái xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến môi trường.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ đổ trộm, đổ lén, chôn chất thải rắn công nghiệp không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đa phần các vụ việc đều chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân là do để xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm này còn tùy thuộc vào mức độ định lượng gây ra ô nhiễm môi trường đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Điều 235, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội gây ô nhiễm môi trường như sau, cá nhân hoặc tổ chức có thể bị xử phạt hành chính từ 50 triệu đến 5 tỷ đồng, phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm (tùy mức độ vi phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm... ). Trong trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, ngoài bị phạt tiền từ 1-5 tỷ đồng, pháp nhân thương mại còn bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về môi trường như trên là chưa cao, bởi lẽ có những vi phạm gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng khó có thể xác định hết những thiệt hại, tổn thất cho môi trường.

Do đó, để đảm bảo việc thực thi pháp luật, ngăn ngừa các hành vi gây ô nhiễm môi trường, cần xem xét có chế tài xử phạt cao hơn; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cần xử lý, lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202205/kien-quyet-xu-ly-hanh-vi-gay-o-nhiem-moi-truong-3117436/