Kinh phí xét nghiệm toàn bộ dân cư ở Hà Nội đủ để mua từ 4 - 5 triệu liều vắc xin

Ngay sau khi Hà Nội đưa ra thông tin Thành phố sẽ xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn Thủ đô, có nhiều ý kiến cho rằng việc này không mang lại hiệu quả và gây tốn kém, thiếu tính khoa học.

Trong công điện tối 6/9, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ để nhanh chóng kiểm soát tình hình, từ ngày 6 đến 12/9, thành phố xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn.

Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu nguy cơ rất cao, ngành y tế lấy mẫu cho toàn bộ người dân 2-3 ngày/lần; khu nguy cơ cao lấy mẫu 5-7 ngày/lần; các khu vực khác toàn bộ người dân được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất một lần.

Ngoài ra, người dân sẽ được hướng dẫn tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế. Sau khi hoàn thành xét nghiệm toàn thành phố, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu để giám sát, đánh giá nguy cơ.

Hà Nội xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn Thành phố. Ảnh: Quang Hùng

Bài liên quan

Hà Nội xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn Thành phố

Hà Nội: Rất đông người dân chờ tới tối ở phường Mễ Trì vẫn chưa xin được giấy đi đường

Được yêu cầu hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 trước 15/9, Hà Nội vẫn chưa nhận đủ vắc xin

Theo thống kê tính đến năm 2021, Hà Nội có hơn 8,4 triệu dân, theo các chuyên gia, việc thành phố xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn sẽ không mang lại hiệu quả và gây tốn kém.

Trao đổi với báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng việc tổ chức xét nghiệm như vậy rất tốn kém, với số tiền để xét nghiệm toàn thành phố như vậy có thể đủ để mua từ 4 triệu đến 5 triệu liều vắc xin cho người dân.

"Hơn 8 triệu người ở Hà Nội, cứ cho ít nhất là 300 nghìn đồng để xét nghiệm nhanh và 700 nghìn đồng để xét nghiệm PCR cho một người, trong khi đó mỗi liều vắc xin trung bình khoảng 500 nghìn đồng, cứ nhân lên sẽ ra ngay", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng đặt câu hỏi, vậy chúng ta nên chọn tiêm hay xét nghiệm?

Phân tích về tính khả thi và khoa học khi Hà Nội đưa ra phương án án xét nghiệm 100% người dân toàn Thành phố từ ngày 6/9 đến ngày 12/9, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng việc này không đúng khoa học và chưa có kết quả nghiên cứu nào chỉ ra tính đúng đắn hợp lý.

"Trong 6 ngày xét nghiệm hơn 8 triệu người là không có kết quả nghiên cứu, không đúng khoa học, kết quả xét nghiệm sẽ không có giá trị" , vị chuyên gia này cho biết.

Ngoài ra, nói về nguồn lực y tế của Hà Nội hiện nay liệu có đảm bảo cho việc xét nghiệm kể trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng là không đủ điều kiện và nếu tiến hành làm cũng sẽ không đảm bảo an toàn, và có nguy cơ tập trung đông người làm bùng phát dịch.

Chuyên gia Nguyễn Huy Nga cũng nêu rõ, Hà Nội nên giám sát, xét nghiệm trọng điểm đối với những nơi có nguy cơ cao hoặc nhóm người có nguy cơ cao để xem xét tỷ lệ như thế nào, còn bây giờ đã lây lan trong cộng đồng rồi thì không thể bóc tách hết được F0.

"Bây giờ xét nghiệm không có nhưng 3 phút, 10 phút, 1 tiếng sau là có dương tính thì làm sao, không thể xét nghiệm liên tục được, xét nghiệm dương tính giả thì còn đỡ, xét nghiệm âm tính giả còn nguy hiểm nữa",

PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định, để có kết quả chính xác thì phải thật chuẩn về con người, chuẩn về máy móc, chuẩn về lấy mẫu xét nghiệm, nếu làm tràn lan sẽ không có ý nghĩa khoa học.

Trước đó, Hà Nội đã xét nghiệm diện rộng đợt một trên 1,1 triệu người bằng kỹ thuật RT-PCR; đợt hai lấy thêm khoảng 200.000 mẫu, chia làm hai giai đoạn.

Bên cạnh công tác xét nghiệm trọng điểm, thành phố vẫn duy trì công tác xét nghiệm thường quy theo dịch tễ tại các khu vực phong tỏa, khu cách ly; đối tượng nguy cơ...

Hà Nội cũng xây dựng 2 kịch bản xét nghiệm sau ngày 6/9, tuy nhiên việc thành phố xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn đã không theo kịch bản nào được đề ra trước đó.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-phi-xet-nghiem-toan-bo-dan-cu-o-ha-noi-du-de-mua-tu-4--5-trieu-lieu-vac-xin-post154604.html