Kinh tế hợp tác 'nở hoa' trên vùng đất lửa giúp dân thoát nghèo

Huyện Bàu Bàng (Bình Dương) là vùng đất của những chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, nay đã chuyển mình mạnh mẽ, cơ bản thực hiện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo. Trong đó, việc phát triển hiệu quả kinh tế tập thể được ví như 'nở hoa' trên vùng 'đất lửa' năm xưa khi mạnh dạn tìm hướng đi mới, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Ở thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) có HTX Vận tải Bàu Bàng, một trong những điển hình thành công trong tổng số 61 HTX vận tải trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tạo chuyển biến mới về chất

Từ khi thành lập vào năm 2015, HTX đã ký kết hợp đồng với các công ty trên địa bàn huyện đưa rước công nhân viên, chuyên gia. Qua đó giúp HTX dần có thương hiệu, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX đã phát triển dần, đến nay đã có 50 đầu xe.

Nhờ nỗ lực vượt khó, đến nay HTX vận tải Bàu Bàng đã có 50 đầu xe, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều.

Nhờ nỗ lực vượt khó, đến nay HTX vận tải Bàu Bàng đã có 50 đầu xe, khách hàng tìm đến ngày càng nhiều.

Cũng như các loại hình kinh tế khác, HTX vận tải Bàu Bàng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực vượt khó nên HTX khôi phục hoạt động đều đặn nhờ nguồn khách hàng ổn định. Đến nay HTX có 30 thành viên với thu nhập bình quân từ 10-17,5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu trung bình đạt 10 tỷ đồng/năm.

Ông Mai Quốc Phong, Giám đốc HTX, cho biết HTX cơ bản đã phục hồi tất cả các lĩnh vực hoạt động. HTX chở hàng hóa cho các công ty tại khu vực Bình Dương là chính. Theo ông Phong, các thành viên HTX rất phấn khởi khi đã xây dựng được cho mình mạng lưới khách hàng lớn, đời sống của thành viên luôn được bảo đảm.

Cùng với HTX nêu trên, tính đến tháng 3/2023, Bàu Bàng có 13 HTX (với 97 thành viên, vốn đầu tư ban đầu hơn 63,7 tỷ đồng) và 6 tổ hợp tác với 57 tổ viên, vốn đầu tư ban đầu hơn 2,7 tỷ đồng.

Trong mảng nông nghiệp ở địa phương có HTX Sản xuất măng tre Điền Trúc ở ấp Ông Thanh, tại xã Cây Trường II (huyện Bàu Bàng) đã mạnh dạn tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, thực hiện thành công mô hình trồng tre điền trúc lấy măng với diện tích canh tác 40 ha của 7 thành viên.

Tiếng lành đồn xa

Ông Nguyễn Văn Em, Giám đốc HTX Sản xuất măng tre Điền Trúc, cho biết trước đây cao su là cây chủ lực của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây do thị trường mủ cao su giá không ổn định, một số bà con sau khi thanh lý cây cao su đã hết tuổi, đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm của các xã lân cận để trồng thử nghiệm măng tre. Kết quả thật đáng mừng vì hiệu quả kinh tế từ trồng măng tre vượt trội hơn hẳn so với cây cao su tại thời điểm này.

Mô hình trồng tre lấy măngcủa HTX Sản xuất măng tre Điền Trúc.

Theo ông Em, trồng măng tre chỉ cần mua giống lần đầu tiên, sau 12 tháng là cho thu hoạch. Từ 10 ha diện tích trồng măng tre ban đầu đến nay trên địa bàn xã Cây Trường II đã nhân lên khoảng 100 ha.

Trên diện tích trồng măng tre, thành viên HTX còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) nhằm tạo ra sản phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài ra, HTX còn chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp cây giống cho các hộ có nhu cầu, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi ngày vườn tre của mỗi thành viên HTX có thể thu hoạch vài trăm kg măng, bán với giá dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Giá măng tre thời điểm nghịch mùa có lúc lên đến 25.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên.

Tiếng lành đồn xa, hiện nay măng tre của các hộ dân và các thành viên trong HTX luôn đắt hàng, thu hoạch bao nhiêu thương lái đến thu gom hết bấy nhiêu. Trung bình một năm, mỗi một hộ trồng tre lấy măng trên địa bàn xã thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm/1ha. Việc mạnh dạn trồng giống mới đã đem lại thu nhập ổn định hơn.

Theo đánh giá, ở Bàu Bàng có nhiều loại hình kinh tế hợp tác phát triển đa dạng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế. Nhất là xuất hiện một số mô hình hoạt động có hiệu quả, gắn bó chặt chẽ với lợi ích vật chất, tinh thần của thành viên, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

Nhiều HTX, tổ hợp tác ở huyện đã ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, áp dụng các biện pháp luân canh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, mở mang các loại ngành nghề.

Nhờ sự góp sức của kinh tế hợp tác đã góp phần giúp công tác giảm nghèo của Bàu Bàng đạt nhiều kết quả tích cực. Từ chỗ toàn huyện có hơn 250 hộ nghèo vào năm 2014 (chiếm tỷ lệ 1,24% trên tổng số dân toàn huyện) thì đến năm 2020 chỉ còn 167 hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới, chiếm tỷ lệ 1,02% trong đó có 83 hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo chiếm tỷ lệ 0,51%, 84 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ 0,51% và 132 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,81%. Đến nay, huyện đã cơ bản thực hiện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo các giai đoạn theo tiêu chí của tỉnh Bình Dương.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/kinh-te-hop-tac-no-hoa-tren-vung-dat-lua-giup-dan-thoat-ngheo-1091432.html