Kinh tế Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2025: Tăng trưởng ổn định, kỳ vọng bứt phá
GRDP tăng 7,88%, thu ngân sách vượt 29.700 tỷ đồng, doanh nghiệp thành lập mới dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa đang cho thấy nội lực mạnh mẽ cùng quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển trong giai đoạn bản lề năm 2025.

Một góc phường Hạc Thành, Thanh Hóa
TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH, CÔNG NGHIỆP DẪN DẮT
Bức tranh kinh tế Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2025 nổi bật với đà tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,88% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng khá trong bối cảnh nhiều thách thức, phản ánh rõ sự phục hồi của nền kinh tế địa phương sau thời gian chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chuỗi đứt gãy toàn cầu.
Khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực, tăng trưởng 8,82%, trong đó công nghiệp tăng mạnh 9,39%. Mặc dù một số sản phẩm công nghiệp truyền thống gặp khó khăn, song nhiều mặt hàng chủ lực đã bứt tốc ấn tượng như đường kết tinh tăng 134,5%, giày thể thao tăng 41,6%, quần áo may sẵn tăng 26,8% và thép tăng 20,6%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 15,02%, góp phần quan trọng trong việc củng cố nền tảng tăng trưởng.
Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, sản xuất nông nghiệp giữ nhịp ổn định với tổng sản lượng lương thực đạt 884,3 nghìn tấn, bằng 57,5% kế hoạch năm. Tỉnh đã trồng mới hơn 6.600 ha rừng tập trung, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 108,8 nghìn tấn.
Các chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực với thêm 2 huyện, 14 xã và 15 thôn, bản đạt chuẩn, trong đó có 39 sản phẩm OCOP được công nhận, tạo động lực phát triển bền vững khu vực nông thôn.
DỊCH VỤ, XUẤT KHẨU VÀ DU LỊCH PHỤC HỒI ẤN TƯỢNG
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, góp phần làm phong phú cấu trúc kinh tế tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 20,5%, cho thấy năng lực sản xuất – kinh doanh và khả năng nắm bắt cơ hội thị trường quốc tế của doanh nghiệp Thanh Hóa đã được cải thiện đáng kể.
Lĩnh vực du lịch phục hồi rõ rệt, toàn tỉnh đón 10,489 triệu lượt khách, bằng 65,6% kế hoạch và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khách quốc tế đạt 307 nghìn lượt, tăng 17,7%, mang lại tổng thu từ du lịch tăng tới 32,8%. Đây là kết quả của sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác quảng bá, phát triển sản phẩm và hạ tầng du lịch địa phương.
Các ngành vận tải, viễn thông và tài chính cũng duy trì mức tăng trưởng ổn định. Doanh thu vận tải tăng 19%, dịch vụ bưu chính viễn thông tăng 4%, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,6%, dư nợ tín dụng tăng 8%.
Đây là tiền đề quan trọng để Thanh Hóa duy trì đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN MẠNH, THU NGÂN SÁCH DẪN ĐẦU KHU VỰC
Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Thanh Hóa tiếp tục được cải thiện, thể hiện qua con số ấn tượng về doanh nghiệp thành lập mới. Trong 6 tháng, toàn tỉnh có 1.725 doanh nghiệp mới, bằng 57,5% kế hoạch năm và tăng 12,3% so với cùng kỳ. Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước và dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ về chỉ tiêu này.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 67.934 tỷ đồng, tăng 1,7%. Tỉnh thu hút được 61 dự án đầu tư mới, trong đó có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 12.904 tỷ đồng và 198,6 triệu USD, tăng 15,6%. Những con số này khẳng định sức hút ngày càng lớn của Thanh Hóa trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh các địa phương đang cạnh tranh thu hút nguồn lực toàn cầu.
Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 29.789 tỷ đồng, bằng 65,5% dự toán và tăng 13,6% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt 19.086 tỷ đồng, tăng mạnh 29%, là chỉ dấu cho hiệu quả cải cách hành chính, tăng thu bền vững và sự phục hồi của doanh nghiệp địa phương.
Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn lớn khi mới đạt 30,1% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, giá cả leo thang và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới.
KỲ VỌNG BỨT PHÁ TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm từ 11% trở lên, Thanh Hóa cần tăng trưởng 6 tháng cuối năm ở mức rất cao, khoảng 13,72%. Đây là thách thức không nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng nếu tỉnh thực thi hiệu quả 12 nhóm giải pháp trọng tâm đã đề ra.
Trước hết là tập trung tháo gỡ các nút thắt thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực. Việc sớm hoàn thiện cơ cấu bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sẽ đảm bảo thông suốt hoạt động chỉ đạo, điều hành và triển khai các chương trình, dự án.
Trong sản xuất, cần ưu tiên đẩy mạnh vụ Mùa 2025 đúng thời vụ, phát triển chăn nuôi bền vững và quản lý khai thác thủy sản hiệu quả. Công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn phải được chuẩn bị kỹ càng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, bảo đảm cung ứng điện, kích cầu tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, phải quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính thực chất, kiểm tra chặt các dự án chậm tiến độ và xử lý nghiêm nhà thầu vi phạm.
Với tinh thần hành động quyết liệt, Thanh Hóa đang có cơ sở để bứt phá và đạt kết quả toàn diện trong năm 2025 – năm bản lề trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021–2025.