Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (7-13/5): Xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt bất ngờ, Mỹ quyết 'cứng' với Bắc Kinh; Ấn Độ chi 6,8 tỷ USD cho vaccine

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc; Ấn Độ chi 500 tỷ Rupee (6,8 tỷ USD) hỗ trợ sản xuất vaccinevà cung cấp thiết bị y tế; Xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng bất ngờ, triển vọng hứa hẹn và chính sách mở cửa hút đầu tư nước ngoài; Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021... là các tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

tuần qua 7-13/5:

Kinh tế Thế giới

Cấp bách xử lý vấn đề tiếp cận công bằng vaccine Covid-19

Phát biểu khai mạc Hội đồng WTO, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo Iweala nhấn mạnh, WTO cần cấp bách xử lý vấn đề tiếp cận công bằng vaccine và phương pháp điều trị ứng phó với Covid-19 do đây vừa là vấn đề đạo đức, vừa là vấn đề kinh tế của thời đại;

Khuyến nghị các thành viên WTO cần phải hành động trên 4 mặt trận: (i) Chia sẻ vaccine thông qua cơ chế COVAX hoặc các cơ chế khác; (ii) Giảm các thủ tục xuất khẩu và hải quan có thể tác động đến chuỗi cung ứng các sản phẩm ứng phó Covid-19; (iii) Hỗ trợ các nhà sản xuất tăng cường sản xuất lượng vắc xin đủ cho thế giới; (iv) Các quốc gia đang được phát triển vaccine nên xem xét cách tăng cường nguồn cung và nhanh chóng đưa ra Văn bản đề xuất miễn trừ TRIPS cho các Thành viên thương lượng để tìm ra một hướng đi thực tế nhằm xử lý vấn đề tiếp cận vaccine. (TG&VN)

ADB sẽ dừng tài trợ các hoạt động thăm dò, khai thác than đá và các nhiên liệu hóa thạch

Theo Ngân hàng ADB, than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận năng lượng phục vụ phát triển kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng chưa giải quyết được thách thức về tiếp cận năng lượng, đồng thời, việc sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch còn gây hại cho môi trường và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

Do đó, ADB dự kiến sẽ dừng tài trợ cho tất cả các hoạt động thăm dò, khai thác than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Dự kiến, dự thảo chính sách năng lượng cuối cùng sẽ được trình lên Ban giám đốc của ADB vào tháng 10 tới. (ADB)

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Biden có khả năng duy trì áp lực với Trung Quốc thông qua việc tiếp tục giới hạn các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, vốn được áp đặt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Các quan chức trong Chính quyền được cho là vẫn đang thảo luận sơ bộ về các lệnh cấm đầu tư với các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc, trong đó có 3 tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc. Chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Quốc hội trong việc theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong nhiều phát biểu đã tái khẳng định lập trường tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, có từ thời chính quyền cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, các lệnh giới hạn đầu tư này đang vấp phải phản ứng mạnh từ giới tài chính phố Wall. (Bloomberg)

Các nhà phân tích cho rằng sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Mỹ và việc sản xuất ở các quốc gia khác bị đình trệ do Covid đã thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu tính theo USD đã tăng 32,3% so với một năm trước đó lên 263,92 tỷ USD, cao hơn dự báo của các nhà phân tích là 24,1% và mức tăng trưởng 30,6% được báo cáo vào tháng Ba.

Trung Quốc đã mở rộng hoạt động thương mại mạnh mẽ trong tháng 4, với xuất khẩu tăng vọt và tăng trưởng nhập khẩu đạt mức cao nhất trong một thập kỷ.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc một lần nữa gây bất ngờ về chiều ngược lại, cho biết thêm rằng, hai yếu tố - nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ và cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ, khiến một số đơn hàng chuyển sang Trung Quốc - có thể góp phần để tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ”. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

Ngày 7/5, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai công bố các nguyên tắc minh bạch mới nhằm thực hiện cam kết của Chính quyền Biden trong chính sách “thúc đẩy lợi ích của tất cả người dân Mỹ”. USTR sẽ sử dụng các hình thức kết nối như, điều trần trực tuyến, cập nhật liên tục thông tin trên hệ thống trang chủ của mình; định kỳ xem xét và điều chỉnh các nguyên tắc và thực thi và khuyến khích sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách thương mại. Bà Tai cũng chỉ định Trưởng cố vấn pháp lý Greta Peisch làm Trưởng nhóm phụ trách minh bạch (CTO), chức vụ được quy định tại Đạo luật có sự ủng hộ lưỡng đảng về Các ưu tiên thương mại và trách nhiệm giải trình năm 2015. (Inside Trade)

Ngày 6/5, Bộ Lao động Mỹ thông báo số lượng đăng ký trợ cấp thất nghiệp tuần cuối tháng 4 là 498.000, lần đầu xuống dưới mức 500.000 kể từ đầu đại dịch Covid-19, thấp hơn nhiều so với dự đoán của Dow Jones là 527.000. Việc các hạn chế đang tiếp tục được dỡ bỏ đã khiến số lượng đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong các tuần gần đây giảm xuống. Tuy nhiên, thị trường việc làm vẫn cần thêm một khoảng thời gian dài để có thể phục hồi hoàn toàn. (CNBC)

Kinh tế Trung Quốc

Theo nhận định của chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn và chính sách mở cửa hơn nữa của Trung Quốc là những nhân tố chính thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này. Dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc trong năm 2020 đã tăng 14%, đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành điểm đến FDI hàng đầu thế giới. Trong khi đó, theo số liệu của OECD, cùng năm, FDI toàn cầu giảm 38% xuống 846 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2005. Cũng theo OECD, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia nhận FDI lớn nhất thế giới trong năm 2020 khi hai nền kinh tế này nhận được lượng FDI lần lượt là 212 tỷ USD và 177 tỷ USD. (THX)

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chỉ số giá sản suất của (PPI) đã tăng 6,8% so với một năm trước đó vào tháng 4, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2017. Chỉ số này cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 6,5% được đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters và mức tăng 4,4% trong tháng 3. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,9% so với một năm trước đó, so với mức tăng 1,0% được đưa ra bởi cuộc thăm dò của Reuters và mức tăng 0,4% vào tháng Ba.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần cho biết, họ sẽ tránh những thay đổi chính sách đột ngột có thể làm chệch hướng sự phục hồi, nhưng đang dần bình thường hóa chính sách và đặc biệt hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản. (Reuters)

Châu Âu

Sau thông báo của Mỹ về việc ủng hộ một đề xuất quốc tế tạm thời bãi bỏ các bằng sáng chế vaccine phòng Covid-19, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết đã “sẵn sàng thảo luận” về việc bãi bỏ bằng sáng chế vaccine Covid-19, đồng thời nhấn mạnh các rào cản xuất khẩu và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng nên được ưu tiên cao nhất.

Mục đích của việc xóa bỏ tạm thời là để cố gắng tăng nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu. Theo số liệu của WHO, chỉ 0,2% trong số 700 triệu liều vaccine sử dụng trong tháng 4 đến tay người dân ở các nước thu nhập thấp. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của đại diện ngành dược phẩm, vì cho rằng, chính những nút thắt trong sản xuất, chứ không phải các quy định về sở hữu trí tuệ, mới là trở ngại lớn nhất đối với sản xuất vaccine. (Financial Times)

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết, đã giảm lưu trữ Euro, USD và bảng Anh trong kho dự trữ ngoại hối của nước này để chuyển sang vàng và đồng NDT trong năm 2020.

Cụ thể, tỷ lệ Euro trong dự trữ ngoại hối của Nga trong năm 2020 đã giảm 1,6% xuống còn 29,2% kể từ ngày 1/1; tỷ lệ USD giảm 3,3% xuống còn 21,2%; tỷ lệ bảng Anh giảm nhẹ 0,2% xuống còn 6,3%; Ngược lại, theo Reuters, lượng vàng dự trữ của nước này đã tăng lên 23,3% từ mức 19,5% một năm trước đó, tỷ lệ dự trữ NDT tăng lên 12,8%, tỷ lệ của các ngoại tệ khác cũng tăng 0,8% lên 7,2%.

Nga đã và đang đa dạng hóa dự trữ quốc gia, kể từ khi Washington bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2014, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ của nền kinh tế nước này. (Reuters)

Nhật Bản và Hàn Quốc

Theo Bộ Tài chính ngày 10/5, nợ công của Nhật Bản đã tăng 101,92 nghìn tỷ Yên (940 tỷ USD) trong năm tài chính 2020 lên mức kỷ lục 1.216,46 nghìn tỷ Yên, cho thấy mức tăng hàng năm lớn nhất do tác động của các biện pháp tài chính đối với đại dịch. Đánh dấu mức cao kỷ lục trong năm thứ 5 liên tiếp, tính đến ngày 31/3, nợ bình quân đầu người ở mức 9,70 triệu yên. Chỉ số nợ tăng vọt đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn vẫn là nền kinh tế tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn với quy mô nợ gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội, xa hơn khỏi mục tiêu khôi phục sức khỏe tài khóa. Mức tăng nợ hàng năm kỷ lục trước đó là 78,40 nghìn tỷ Yên trong năm tài chính 2004. (Japan Times)

Ngày 7/5, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ áp dụng các biện pháp tài chính mở rộng trong năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae In nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi vững chắc và chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc ở mức trung bình cao khoảng 3% trong năm nay, hỗ trợ hồi phục nhu cầu nội địa và tạo công ăn việc làm. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự đoán nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay. (Yonhap)

ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đưa ra dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng dự kiến là 15,5 triệu tấn, Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, đứng thứ ba là Thái Lan. Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt được những kết quả tích cực dù lượng có giảm nhưng giá xuất khẩu lại tăng cao, với khối lượng đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng nhưng tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. (TG&VN)

Thái Lan đang lên kế hoạch chi hàng tỷ USD để hỗ trợ những người dân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, đồng thởi thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế. Theo Phó Thủ tướng Thái Lan, nước này đã thông qua một gói biện pháp hỗ trợ với trị giá 178,5 tỷ Baht (khoảng 5,7 tỷ USD), trong đó có việc mở rộng chiến dịch đồng chi trả. Dự kiến, chính phủ sẽ khởi động giai đoạn ba của chiến dịch đồng chi trả, để hỗ trợ khoảng 31 triệu người trong giai đoạn từ tháng 7-12/2020. Chiến dịch cho phép các cá nhân đã đăng ký mua hàng hóa hoặc dịch vụ chỉ cần trả một nửa giá mua và chính phủ sẽ trợ cấp nửa còn lại, với số tiền tối đa là 3.000 Baht trong giai đoạn ba. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng thông qua các khoản tài trợ cho các chiến dịch như “We Win” và "We Love Each Other" với mỗi người đăng ký tham gia có thể nhận được 2.000 Baht trước cuối tháng Sáu. (TTXVN)

Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng tích cực trở lại trong năm 2021 sau khi rơi vào suy thoái trong năm 2020. Theo chuyên gia Seung Hyun Hong của AMRO nhận định bất chấp tình trạng gián đoạn trong hoạt động kinh tế nội địa do chính sách đóng cửa gần đây, kinh tế Campuchia dự kiến sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2021, nhờ đà phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất và gói kích thích tài khóa. Theo chuyên gia Seung Hyun Hong, sự gia tăng các ca mắc Covid-19 thời gian gần đây cho thấy chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn đại dịch và đẩy nhanh việc triển khai chương trình tiêm chủng. Năm 2020, kinh tế Campuchia được ước tính giảm 3% khi những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Campuchia, các đối tác thương mại lớn cũng như các thị trường du lịch làm suy yếu các động lực tăng trưởng chính của nước này. (TTXVN)

Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này trong Quý I/2021 vẫn ở mức âm 0,74% so với cùng kỳ năm 2020. Theo người đứng đầu BPS Suhariyanto, mặc dù tăng trưởng vẫn đang ở mức âm nhưng chiều hướng của nền kinh tế Indonesia trong thời kỳ đại dịch đang có dấu hiệu được cải thiện so với quý II/2020, khi tăng trưởng kinh tế ở mức âm 5,32%, quý III/2020 là âm 3,49% và quý IV/2020 âm 2,19%. Theo số liệu của BPS, 64,56% GDP của Indonesia do các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, xây dựng và khai khoáng đóng góp. Điều này cho thấy các lĩnh vực này đã chuyển động hiệu quả hơn so với thời gian trước. Ngoài ra, cán cân thương mại của Indonesia đã thặng dư trong quý I/2021 với xuất khẩu tăng 6,74% và nhập khẩu tăng 5,27%. Cũng theo ông Suhariyanto, tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong các quý II, III và IV/2021 được dự báo sẽ nằm trong vùng dương, trong đó, tăng trưởng trong quý II/2021 sẽ khả quan và đưa Indonesia thoát khỏi bờ vực suy thoái. (TTXVN)

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) vừa công bố một gói thanh khoản trị giá 500 tỷ Rupee (6,8 tỷ USD) để hỗ trợ các nhà sản xuất vaccine, cung cấp thiết bị y tế, bệnh viện và bệnh nhân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đồng thời tiến hành đợt tái cơ cấu mới cho người vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Theo kế hoạch trên, các ngân hàng có thể cung cấp hỗ trợ cho vay mới cho nhiều thực thể như nhà sản xuất vaccine, bệnh viện, phòng thí nghiệm bệnh lý, nhà sản xuất và nhà cung cấp oxy và máy thở. Bên cạnh đó, những người vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ với dư nợ đến 250 triệu rupee (3,4 triệu USD) và những người không sử dụng biện pháp hoãn nợ hoặc tái cơ cấu nợ vào năm ngoái, có thể đề nghị cơ cấu lại các khoản vay của họ trong tối đa 2 năm và các ngân hàng sẽ phải thực hiện tái cơ cấu nợ trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Ông Shaktikanta Das cũng cho biết thêm, tính đến ngày 30/3, dữ trữ ngoại hối của Ấn Độ ở mức 588 tỷ USD, mang lại cho New Delhi sự tự tin để đối phó với những tác động toàn cầu.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-tuan-qua-7-135-xuat-khau-cua-trung-quoc-tang-vot-bat-ngo-my-quyet-cung-voi-bac-kinh-an-do-chi-68-ty-usd-cho-vaccine-145075.html