Kinh tế toàn cầu bắt đầu chùng xuống nhanh hơn

Nền kinh tế toàn cầu có thể bắt đầu chùng xuống với tốc độ nhanh hơn. Hoạt động sản xuất đang suy yếu trên toàn thế giới. Châu Âu trượt vào một cơn suy thoái nhẹ vào đầu năm nay. Đà phục hồi được mong đợi của Trung Quốc sau các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 đang diễn ra chậm chạp. Nhiều thị trường mới nổi tiếp tục vật lộn với gánh nặng nợ nần chồng chất và lãi suất cao.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 ở Gandhinagar, Ấn Độ hôm 17-7. Ảnh: AP

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến tham dự hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 ở Gandhinagar, Ấn Độ hôm 17-7. Ảnh: AP

Dù vậy, các quan chức ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tham dự hội nghị tại Gandhinagar, Ấn Độ trong tuần này có thể thở phào nhẹ nhõm với nhiều vấn đề. Lạm phát đang giảm tốc và thị trường lao động ở nhiều nước vẫn mạnh mẽ. Nhiều kịch bản tồi tệ nhất mà các quan chức cảnh báo sau cuộc xung đột Nga-Ukraine năm ngoái, từ một loạt các vụ vỡ nợ trên khắp thế giới đang phát triển đến một cuộc suy thoái sâu ở châu Âu, đã không xảy ra.

Câu hỏi đặt ra với các quan chức kinh tế hàng đầu thế giới là liệu thế giới có tránh những hậu quả tồi tệ nhất từ những mối đe dọa hiện nay, từ chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến sự suy giảm thương mại toàn cầu, hay không.

“Triển vọng trung hạn của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm”, Kristalina Georgieva, Giám đốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế tế (IMF), nói.

Các quan chức toàn cầu vẫn đang theo dõi chặt chẽ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng trước đã giảm mạnh so với một năm trước đó, trong khi lạm phát tiêu dùng đứng im, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu làm tăng nguy cơ giảm phát. Trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, Trung Quốc làm điều ngược lại: giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế.

Trong cuộc họp báo hôm 16-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, bà đã được thông báo về các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc khi bà đến thăm Bắc Kinh vào tuần trước.

“Tất nhiên triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nhà nhập khẩu rất lớn đối với nhiều nước trên thế giới, vì vậy khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, tăng trưởng ở nhiều nước sẽ bị ảnh hưởng. Và chúng ta đang thấy điều đó.”

Bà cũng nói rằng còn “quá sớm” để chính quyền Tổng thống Joe Biden xem xét dỡ bỏ thuế quan đối với hơn 350 tỉ đô la hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ mỗi năm.

Tăng trưởng của Trung Quốc trong quí 2 chỉ đạt 6,3%, thấp hơn mức dự báo. Sự suy giảm xuất khẩu của Trung Quốc và thương mại toàn cầu phần nào phản ánh hậu quả của lãi suất cao và việc người tiêu dùng toàn cầu quay trở lại sử dụng các dịch vụ sau khi chủ yếu mua sắm hàng hóa trong đại dịch Covid-19. Nhưng một số nhà kinh tế lo ngại về một lực cản dai dẳng hơn đối với thương mại và tăng trưởng toàn cầu khi Mỹ và Trung Quốc dường như tạo khoảng cách giữa nền kinh tế của hai bên.

Nhiều công ty đa quốc gia đang xem xét chuyển một phần hoạt động của họ ở Trung Quốc đến những nước khác bao gồm Ấn Độ.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh cung cấp các ưu đãi thuế và trợ cấp để đưa một số hoạt động sản xuất quan trọng về nước.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, một nguồn lực quan trọng cho phát triển và tăng trưởng, giảm trong quí đầu tiên của năm nay.

Các nỗ lực sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ diễn ra trong nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng ở Trung Quốc và khiến giá cả đối với người tiêu dùng toàn cầu tăng lên trong dài hạn.

“Đó là một quá trình chậm chạp vì không có cơ sở hạ tầng hoặc hệ sinh thái nào ở Đông Nam Á có thể nhanh chóng tái tạo hiệu quả ở thị trường Trung Quốc”, Nirav Patel, CEO của Công ty tư vấn Asia Group, nhận định.

Dữ liệu của Bộ Lao động cho thấy, lạm phát ở Mỹ trong tháng 6 hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh của năm ngoái là tin tức đáng khích lệ. Lạm phát giảm, khiến đô la Mỹ suy yếu, góp phần hỗ trợ kinh tế toàn cầu.

Nhưng nhiều quan chức kinh tế vẫn lo ngại về Cục Dự trữ liên bang.

(Fed) tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp chính sách cuối tháng 7. Fed có thể tăng lãi suất thêm bao nhiêu nữa sau đó và giữ lãi suất ở mức cao trong bao lâu là những điều chưa chắc chắn vì lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng của Mỹ) ngày càng nghiêm trọng hơn. Hậu quả từ cú sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank và Ngân hàng Signature Bank vào mùa xuân vừa qua là các điều kiện tín dụng thắt chặt, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Hoạt động tuyển dụng và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh cho đến nay đã khiến một số nhà kinh tế hạ thấp rủi ro suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới.

Tuy nhiên, các nền kinh tế thu nhập thấp vẫn đối mặt thách thức.

Lãi suất tăng ở Mỹ kể từ năm ngoái đã thu hút vốn chảy vào các tài sản bằng đô la, đẩy giá trị của đồng đô la lên đáng kể. Điều đó dẫn đến nhiều vấn đề cho nhiều nước có thu nhập thấp sử dụng đô la để trả nợ, cũng như nhập khẩu thực phẩm và năng lượng.

Trong khi đồng đô la đã giảm đáng kể trong năm nay, IMF cảnh báo rằng tình trạng không chắc chắn về lộ trình lãi suất của Fed sẽ gây rủi ro cho các nước nghèo nếu đô la tăng giá trở lại. Theo IMF, hơn một nửa số nước có thu nhập thấp và khoảng 25% số nước có thu nhập trung bình đang lâm vào cảnh căng thẳng tài chính hoặc có nguy cơ cao về nợ nần.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng gây áp lực lên các nước có thu nhập thấp, làm gián đoạn nguồn cung lương thực và năng lượng, đồng thời đẩy lạm phát trên toàn thế giới lên cao. Tùy thuộc vào diễn biến của cuộc chiến, những áp lực đó có thể xuất hiện trở lại. Nền kinh tế châu Âu, vốn chịu tổn thương nặng nề hồi năm ngoái khi Nga siết chắt dòng chảy khí đốt, đặc biệt dễ bị tổn thương nếu giá năng lượng tăng sốc trở lại.

“Những cú sốc sẽ tiếp diễn nhưng chúng tôi không biết đó là cú sốc nào. Có rất nhiều điều không chắc chắn về tương lai”, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan, Magdalena Rzeczkowska nói vào hồi mùa xuân qua.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-toan-cau-bat-dau-chung-xuong-nhanh-hon/