Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Về Tân Uyên hôm nay, điều mà ai cũng cảm nhận được rõ nét đó là những vùng quê đang mới lên từng ngày. Sự phát triển đi lên đó không thể phủ nhận sự đóng góp rất lớn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện. Đây được xem là 'bệ đỡ' cho sự đổi thay những vùng nông thôn Tân Uyên.

Những ngày cuối năm, hanh khô, nắng ráo, nhiều gia đình đồng bào các dân tộc sau một năm dành dụm, tích góp tiền, có gia đình sửa nhà, có gia đình xây nhà mới để đón tết bình an, sum vầy. Gia đình anh Lò Văn Xuân (bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng) cũng vậy. Ngôi nhà đang được đào, đổ móng kiên cố với sự giúp sức của bà con trong bản. Dự kiến ngôi nhà được xây với tổng trị giá 70 triệu đồng và sẽ hoàn thành trước tết. Cảm nhận không khí hăng say, vui vẻ của bà con trong bản đến giúp gia đình anh Xuân, chúng tôi vui lây niềm vui của đôi vợ chồng trẻ.

Là hộ nghèo, không có vốn làm ăn nên năm 2020, anh Xuân bàn với vợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mua đất trồng chè. Tích cực đầu tư phân bón, tập trung chăm sóc nên chè sinh trưởng phát triển tốt. Từ lúc chỉ có 4.000m2 đến nay vợ chồng anh đã sở hữu 1ha chè, trung bình mỗi tháng đem về nguồn thu nhập ổn định 7 triệu đồng. Năm 2020, từ hộ nghèo, gia đình anh Xuân đã thoát nghèo và giờ đây đã có tiền tích lũy xây nhà mới. Gia đình anh Xuân cũng giống như hàng nghìn hộ nông khác được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ nghèo để vươn lên thay đổi cuộc sống.

Lãnh đạo và cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên thăm đồi chè của gia đình anh Lò Văn Xuân.

Lãnh đạo và cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên thăm đồi chè của gia đình anh Lò Văn Xuân.

Khi được chúng tôi hỏi “Cách thức cho vay nào để bà con có thể tận dụng tốt, sinh lời nhanh đến vậy?”, ông Nguyễn Văn Cương – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên niềm nở cho hay: Là đơn vị ngân hàng đứng chân trên địa bàn, khi chúng tôi triển khai các nguồn vốn cho bà con nông dân được sự ủng hộ rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương. Thành viên Ban Đại diện vốn ủy thác đồng thời là chủ tịch UBND huyện và các xã, thị trấn; 4 tổ chức hội, đoàn thể (cựu chiến binh, nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ) cấp huyện, xã, thị trấn đảm nhận quản lý, ủy thác vốn cho bà con nông dân. Do đó, công tác chỉ đạo, điều hành rất thuận lợi. Đây chính là “cánh tay nối dài” cho hệ thống cán bộ tín dụng ở cơ sở nên chúng tôi dành công việc chính cho việc tập trung định hướng và hỗ trợ. Nếu không có chính quyền, chúng tôi không thể nào làm tốt được như vậy”.

Tìm hiểu thêm, được biết, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã đặt 10 điểm giao dịch cố định tại 100% các xã, thị trấn. Đơn vị luôn xác định công tác củng cố, kiện toàn tổ vay vốn và nâng cao chất lượng giao dịch tại các xã là việc làm thường xuyên. Do đó, những nội dung công khai tại điểm giao dịch được thực hiện đầy đủ, hoạt động tín dụng cCSXH ngày càng nhận được sự ủng hộ cao của Nhân dân. Các tổ trưởng tổ vay vốn đều là bí thư chi bộ, trưởng bản nên quản lý rất chặt chẽ nguồn vốn, đặc biệt là cùng với cán bộ tín dụng của ngân hàng kiểm soát được mục đích vay vốn. Định kỳ hàng tháng, ngân hàng cùng với các tổ chức hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn tổ chức họp giao ban đều đặn vào các phiên giao dịch cố định. Định kỳ 3 tháng/lần, Ban Đại diện Ngân hàng CSXH huyện tiến hành giao ban. Đây là dịp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, do đó, mọi việc đều được thực hiện nhanh chóng, trôi chảy.

Theo số liệu thống kê ước thực hiện đến hết tháng 12 năm nay, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Tân Uyên có 6.657 hộ vay với tổng dư nợ trên 353 tỷ đồng (hoàn thành 100% kế hoạch). Tổng dư nợ tăng trưởng tuyệt đối trên 24 tỷ đồng so với năm 2020. Với tổng dư nợ cao như vậy song tỷ lệ nợ quá hạn các khoản vay của các chương trình cho vay tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện chỉ chiếm 0,07%, thấp nhất so với hệ thống cùng ngân hàng trong toàn tỉnh. Điều đó cũng chứng minh nguồn vốn tín dụng đã được sử dụng đúng mục đích, có khả năng sinh lời nên bà con nông dân mới có thể trả nợ đúng hạn và giảm nợ quá hạn đến như vậy.

Hiện nay, mức cho vay tối đa so với hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo đã có sự điều chỉnh theo hướng cao hơn và theo hướng linh hoạt hơn. Chu kỳ cho vay căn cứ vào mục đích sử dụng có thể kéo dài đến 10 năm và có thể gia hạn thêm tối đa bằng ½ thời gian cho vay. Qua đó, giúp các hộ vay vốn có điều kiện xoay vòng đầu tư, cũng như giảm khó khăn tạm thời trong việc trả nợ khi đến hạn. Mặt khác, trước đây cho vay mức tối đa 50 triệu đồng/hộ thì nay đã tăng lên 100 triệu đồng/hộ. Số vốn vay này có thể chia thành nhiều lần để giúp các hộ cân đối vào mục đích sử dụng khác nhau. Nếu gia đình nghèo nhưng đông nhân lực, nhiều diện tích canh tác, sử dụng đất, Phòng Giao dịch có thể tiến hành giải ngân một lần. Tất cả các nguồn vốn vay đều được thẩm định kỹ càng trước khi giải ngân. Đồng thời, cán bộ tín dụng cũng kết hợp với tổ trưởng các tổ vay vốn hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, nhờ đó góp phần giảm rủi ro khi cho vay.

Đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng, ông Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh thêm: "Là đơn vị ngân hàng đóng chân trên địa bàn, chúng tôi rất vui vì đã giúp các hộ gia đình có nguồn vốn chăn nuôi, sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi tại thôn, bản, mang lại hiệu quả trực tiếp vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương".

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/b%E1%BB%87-%C4%91%E1%BB%A1-cho-v%C3%B9ng-n%C3%B4ng-th%C3%B4n