Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về gia súc do rét đậm, rét hại gây ra, huyện Mường Tè đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc trên địa bàn.

Đến bản Nà Hừ, xã Bum Nưa những ngày đầu đông hình ảnh bà con nông dân đang tổ chức di chuyển đàn gia súc từ các bãi chăn thả về nuôi nhốt giúp chúng tôi cảm nhận được sự chủ động trong công tác phòng chống rét của người dân. Trao đổi với chúng tôi, anh Vàng Văn Tưởng chia sẻ: Đàn gia súc của gia đình hiện có 5 con trâu, 3 con bò. Năm nay dù chưa xảy ra đợt rét nào đáng kể nhưng được cán bộ nông nghiệp và cán bộ xã tuyên truyền tôi đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Gia đinh tôi đã đưa đàn gia súc từ bãi chăn thả về chuồng để nuôi nhốt, chuẩn bị gần 40m bạt gia cố lại chuồng trại; sau khi thu hoạch vụ mùa gia đình tích trữ rơm, chuẩn bị trên 1 tạ cám gạo làm thức ăn cho đàn gia súc trong những ngày rét đậm.

Nông dân huyện Mường Tè đưa gia súc từ bãi chăn thả về nuôi nhốt.

Nông dân huyện Mường Tè đưa gia súc từ bãi chăn thả về nuôi nhốt.

Tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện năm 2021 ước 36.909 con, trong đó: đàn trâu 7.078 con, đàn bò 4.531 con, đàn lợn 25.300 con. Để bảo vệ cho đàn gia súc trong mùa đông, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cấp ủy chính quyền các xã, thị trấn chủ động các phương án đảm bảo thức ăn và tổ chức phòng, chống rét cho đàn gia súc. Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Văn Thi - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mường Tè cho biết: Phòng NN&PTNT đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc. Theo đó, các đơn vị chuyên môn của huyện đã tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền, vận động Nhân dân không thả rông gia súc trong rừng và chủ động dự trữ thức ăn, đồng thời hướng dẫn Nhân dân cách làm chuồng trại.

Đặc biệt, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp tuyên truyền, vận động để bà con đưa gia súc về nơi an toàn, tổ chức chăn nuôi có chuồng trại, nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về gia súc do rét đậm, rét hại gây ra. Đồng thời, thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã chủ động theo dõi, giám sát, đôn đốc tiêm phòng vắc-xin định kỳ bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc và thực hiện tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2021.

Đến nay, trên địa bàn toàn huyên đã sử dụng trên 500 lít hóa chất, phun tiêu độc, khử trùng được gần 300.000m2 môi trường chăn nuôi; tiêm phòng được trên 70.000 liều vắc-xin. Hướng dẫn người dân bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, chuẩn bị thức ăn tinh, thức ăn khô làm thức ăn cho gia súc; thực hiện che chắn chuồng trại cho đàn vật nuôi…

Cán bộ thú y huyện Mường Tè phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.

Cán bộ thú y huyện Mường Tè phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.

Là xã vùng cao có diện tích tự nhiên và đàn gia súc lớn nhất huyện Mường Tè, thực hiện văn bản của UBND huyện công tác phòng chống rét cho đàn gia súc đã được xã Tà Tổng chủ động triển khai. Ông Sùng A Chứ - Chủ tịch UBND xã Tà Tổng cho biết: Đàn gia súc xã Tà Tổng có khoảng trên 6.300 con gia súc, trong đó đàn trâu gần 1.530 con, đàn bò trên 1.490 con. Theo văn bản chỉ đạo của UBND huyện và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, UBND xã xây dựng kế hoạch Phòng chống đói rét cho đàn gia súc phù hợp với điều kiện thực tế của xã và phân công nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện kế hoạch.

Cùng với đó, thường xuyên cập nhật về tình hình thời tiết, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, trưởng các bản tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân chủ động thu gom, dự trữ rơm, rạ, thân cây, lá khô, cám gạo, cám ngô… làm thức ăn cho đàn gia súc; tập trung làm mới, sửa chữa chuồng trại, chuẩn bị bạt, bao tải… che chắn chuồng trại, đảm bảo khô ráo, ấm áp trong những ngày mưa rét. Tổ chức di chuyển đàn gia súc từ vùng cao xuống vùng thấp, đưa gia súc thả rông trong rừng, ngoài bãi về nuôi nhốt. Tuyệt đối không thả rông gia súc trong rừng, ngoài bãi; không sử dụng trâu, bò cầy kéo quá sức trong những ngày rét đậm dưới 10 độ C.

Với sự chỉ đạo sát sao và giải pháp cụ thể, các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn và người dân huyện Mường Tè đã chủ động triển khai phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Đây là cơ sở vững chắc để đàn gia súc của huyện được bảo vệ và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%C3%A8-ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%99ng-ph%C3%B2ng-ch%E1%BB%91ng-r%C3%A9t-cho-%C4%91%C3%A0n-gia-s%C3%BAc