Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

Qua giám sát tại một số tỉnh, thành phố về thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14, Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, việc thực hiện quy định pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy ở các địa phương hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Chậmkhắc phục tồn tại, thiếu sót

Theo Báo cáo của UBND TP. Hải Phòng, trong giai đoạn 2020 - 2022, thành phố đã tổ chức kiểm tra 41 chuyên đề, 29 cuộc kiểm tra liên ngành về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã thực hiện hơn 39.000 lượt kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Toàn thành phố có 2.189 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, tuy nhiên vẫn còn có 572 cơ sở chưa mua. Hiện nay, có 194 cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Điều 63a Luật Phòng cháy và chữa cháy không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Việc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở trên địa bàn thành phố còn chậm.

Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh khảo sát công tác phòng cháy, chữa cháy trên tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh khảo sát công tác phòng cháy, chữa cháy trên tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Trước thực trạng trên, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Báo cáo của UBND TP. Hải Phòng cần bổ sung việc xử lý của các cấp, ngành đối với các vụ cháy có kịp thời không, có vướng mắc khó khăn gì hay không? Bên cạnh đó, qua giám sát, các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận thấy, quá trình triển khai Nghị quyết số 99/2019/QH14 tại các địa phương vẫn còn gặp một số hạn chế, bất cập như: số trụ nước chữa cháy đô thị chưa lắp đặt đủ số lượng; một số cơ sở thuộc diện phải trang bị, lắp đặt hệ thống phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định chưa tiến hành lắp đặt hoặc lắp đặt chưa đầy đủ.

Do đó, Đoàn giám sát đề nghị, các địa phương cần làm rõ nguyên nhân, lộ trình khắc phục, xử lý đối với các công trình đã được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực nhưng hiện không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra các vụ cháy, những bất cập về mức xử phạt; hạn chế trong việc hiểu và áp dụng chính sách pháp luật tại địa phương.

Tập trung gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp về phòng cháy, chữa cháy

Lấy dẫn chứng từ vụ cháy chợ Tam Bạc tại TP. Hải Phòng thời gian vừa qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, trước đó không lâu, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính Ban Quản lý chợ Tam Bạc 69 triệu đồng do không trang bị hệ thống lắp đặt hệ thống báo cháy và chống cháy. Vì vậy, trong Báo cáo cần phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan gây ra các vụ cháy, mức xử phạt hiện nay có gì bất cập, đã đủ tính răn đe chưa, đồng thời đề nghị UBND TP. Hải Phòng có những kiến nghị cụ thể.

Ủy viên Thường trực Nguyễn Ngọc Sơn cũng chỉ rõ, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có nhiều nội dung chưa được UBND thành phố đề cập, nhất là việc thực hiện từ năm 2020 và những năm tiếp theo về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật đối với những loại hình cơ sở mới với quy mô lớn.

Cũng phản ánh thực tế đang gặp rất nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các quy chuẩn, quy định về phòng cháy, chữa cháy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thể cho biết, các doanh nghiệp luôn xác định công tác phòng cháy, chữa cháy phải gắn liền, đi cùng với sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua đã có rất nhiều nhà máy không thể nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến hàng loạt công trình, dự án bị ngưng trệ. Thực tế cho thấy, các nhà máy, nhà xưởng thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong khi đó chỉ có một quy định để áp dụng, chẳng hạn như sản xuất vật liệu xây dựng sẽ có nhiều đặc thù khác với sản xuất hàng da giày, may mặc.

Mặt khác, trong 3 năm 2020, 2021, 2022 liên tiếp có 3 quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy được ban hành khiến doanh nghiệp phải “quay cuồng” thay đổi theo. Doanh nghiệp, người dân đã khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19, giờ lại càng gặp khó hơn nữa vì phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường hiệu quả về phòng cháy, chữa cháy, địa phương kiến nghị, cần rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Đối với các loại hình cơ sở đã đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực đến thời điểm hiện tại đã xuống cấp, kết cấu, cơ sở vật chất không đáp ứng được việc áp dụng các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn mới; một số công trình cũ nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa… cần xem xét có cơ chế phù hợp để vẫn bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy mà không ảnh hưởng đến an ninh xã hội.

Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy, trong đó chú trọng đến chính sách bảo hiểm cháy, nổ toàn dân vào Luật; quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý. Cùng với đó, các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy) để phù hợp với thực tiễn tại cơ sở.

Ghi nhận những kiến nghị nêu trên, trước tình hình cháy, nổ đang diễn biến phức tạp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cũng đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; tăng cường tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác này đối với doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy với phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ gây ra.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/kip-thoi-sua-doi-bo-sung-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chay-chua-chay-i336112/