Kon Tum: Các hộ nghèo vay vốn trồng sâm được khoanh nợ

Ngân hàng Chính sách xã hội khoanh nợ cho các hộ dân nghèo trồng sâm bị chết trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum với số tiền 3,6 tỷ đồng.

Ngày 13/2, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội vừa có thông báo khoanh nợ cho 50 hộ dân Tu Mơ Rông với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Trong đó, có 29 hộ dân được khoanh nợ 36 tháng với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, 21 hộ còn lại được khoanh nợ 60 tháng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Những hộ được ngân hàng khoanh nợ trú ở các xã Măng Ri, Ngọc Lây, Tê Xăng, Đắk Sao.

Trước đó, vào tháng 1, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định khoanh nợ cho 13 hộ dân vay vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay với số tiền khoảng 900 triệu đồng. 13 hộ này được khoanh nợ từ 36 tháng đến 60 tháng.

Qua 2 đợt có tổng cộng 63 hộ trồng sâm có sâm chết được khoanh nợ tổng cộng 3,6 tỷ đồng.

Trước đó, bà con vay vốn trồng sâm Ngọc Linh từ nguồn vốn Trung ương chuyển về, nhưng sau đó sâm đổ bệnh chết bị chết, gây thiệt hại cho 408 hộ với số tiền hơn 20,8 tỷ đồng, khiến đời sống của các hộ dân gặp rất khó khăn. Nhiều hộ trong số đó là hộ nghèo.

 63 hộ trồng sâm có sâm chết được khoanh nợ tổng cộng 3,6 tỷ đồng.

63 hộ trồng sâm có sâm chết được khoanh nợ tổng cộng 3,6 tỷ đồng.

Lý giải về việc có 408 hộ trồng sâm bị chết nhưng chỉ có 63 hộ được khoanh nợ, ông Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, khi xảy ra sâm chết, ngành chức năng đã phối hợp với ngân hàng đi kiểm tra, làm cơ sở đánh để khoanh nợ. Qua rà soát, xác định chỉ có 63 hộ đảm bảo đủ tiêu chuẩn được khoanh nợ nên cơ quan chức năng đã có quyết định khoanh nợ cho 63 hộ nói trên.

“Huyện phối hợp với ngành chức năng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cùng Công ty cổ phần Sâm Ngọc linh Kon Tum vào cuộc tìm cách khống chết nạn sâm chết. Nhờ đó, dịch bệnh được khống chế nhanh chóng, còn người dân được hỗ trợ 10.000 cây giống trị giá 3 tỷ đồng và được khoanh nợ 3,6 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ kịp thời đó, người dân đang ra sức tái đầu tư vườn sâm để vươn lên làm giàu” - ông Mạnh cho biết thêm.

Từ tiềm năng, huyện Tu Mơ Rông đã biến vùng đất này thành một trong ba vùng trồng dược liệu. Trong đó, huyện có nhiều cái nhất như: Diện tích sâm Ngọc Linh nhiều nhất, nhiều tỷ phú Xơ Đăng nhờ sâm Ngọc Linh nhất, nhiều diện tích dược liệu nhất, nhiều sản phẩm dược liệu được chế biến nhất. Hiệu quả đi kèm là người dân đã thay đổi ý thức khi biết chủ động đầu tư kinh doanh chứ không phải ngồi trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước như trước. Đơn cử như năm 2022, vốn vay đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh của dân bằng 5 năm trước cộng lại. Đời sống của họ đã khấm khá hơn nhờ sự thay đổi này.

Người dân trên địa bàn trồng cây dược liệu từ năm 2004 bằng hình thức đào trên rừng về trồng lại trong vườn. Quy mô vì thế cũng nhỏ lẻ. Năm 2008, bà con mới mạnh dạn mở rộng đầu tư. Đến nay, đã có 395/455 hộ trồng cây dược liệu như sâm dây, Sơn tra, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến với diện tích khoảng 215ha. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 2.937ha cây dược liệu, trong đó, sâm Ngọc Linh là 1.715ha, còn lại là các cây khác. Huyện có 30 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, trong đó, có 19 sản phẩm OCOP liên quan đến dược liệu. Cây dược liệu được xác định là cây “ba trong một” (cây chủ lực, cây giảm nghèo và là cây làm giàu của dân) của huyện, góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt đời sống của người dân. Đơn cử như giai đoạn 2019-2021, huyện có 1.761 hộ thoát nghèo, trong số đó, có 70% số hộ thoát nghèo là nhờ trồng dược liệu.

Phúc Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kon-tum-cac-ho-ngheo-vay-von-trong-sam-duoc-khoanh-no-242311.html