Kon Tum: Thủy điện 10 năm chưa bồi thường xong, khu tái định cư bỏ hoang lãng phí

Người dân ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nhường đất cho thủy điện Đăk ĐRinh, sau gần 10 năm thủy điện đã phát điện thương mại, nhưng đất sản xuất của người dân vẫn chưa có, thậm chí ngay cả tiền đền bù, hỗ trợ cũng chưa được nhận hết. Hàng chục căn nhà tái định cư, mỗi căn trị giá khoảng 300 triệu đồng cũng đang bị bỏ hoang, xuống cấp.

Khu tái định cư của Thủy điện Đắc Đrinh ở xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được đầu tư hàng chục tỉ đồng dành cho người dân vùng ngập lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh. Gần 10 năm nay bị bỏ không, vắng bóng người chỉ còn những ngôi nhà tan hoang, không còn cửa thậm chí cũng chẳng còn mái che. Người dân cho rằng, nhà xây không đảm bảo chất lượng, lại nằm trên đỉnh đồi nên gió rất to, đất canh tác lại quá xa khu tái định cư và đặc biệt là không có nước sinh hoạt.

Chị Y RIT, Người dân ở xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: “Nguyên nhân là không đủ đất canh tác, nước uống, đất rừng. Nói chung nguyên nhân rất nhiều. Trước đây chủ thủy điện Đắk Rinh không hỏi ý kiến của chủ hộ làm. Tự tiện xây xong nhà trên To rét. Chưa hỏi chủ hộ, gia đình có đúng ý hay không”

Anh HỜ RUM, Người dân ở xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: “Tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri thì có đề xuất liên quan đến cuộc sống, chưa đảm bảo được nhu cầu, liên quan đến nước sinh hoạt là vấn đề hàng đầu nhất. Giờ đưa các hộ lên đó, chỉ có con đường chết thôi

Hàng chục năm trước, người dân di dời khỏi nơi chôn rau cắt rốn để nhường đất cho thủy điện. Bởi họ tin vào lời hứa của chủ đầu tư sẽ có đời sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ…Nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Còn người dân càng khó khăn, vất vả hơn.

Ông KA NGỌC NGUYÊN, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: Lý do là họ không quen nơi ở mới. Hai là nơi ở cũ họ còn đất sản xuất. Ba là mồ mả ông bà của họ vẫn ở nơi ở cũ. Xã cũng đã đi tuyên truyền để người dân đi về khu tái định cư nhưng họ không về. Thời gian tới xã cũng tiếp tục đi tuyên truyền bà con."

Mặc dù Thủy điện thì đã tích nước cũng như phát điện thương mại đã cả chục năm nay, nhưng loay hoay công tác đền bù đến nay vẫn chưa xong. Người dân thì bất chấp khu vực sạt lở nguy hiểm để sinh sống, vẫn không trở về khu tái định cư.

Vì thấy không phù hợp với khu tái định cư, một số hộ quay về khu lòng hồ và lập làng sống ven hồ thủy điện, bất chấp khu vực nguy hiểm nhưng vẫn không chịu trở về sống trong khu tái định cư.

Để mưu sinh, đã gần chục năm nay, nhiều hộ dân lại đưa gia đình, vợ con quay lại dựng nhà ngay gần làng cũ bất chấp những tấm biển cảnh báo về nguy cơ sạt lở được dựng ngay bên cạnh.

Anh HỜ RUM, Xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: Cuộc sống thì cũng ổn định, nhưng chỗ ở không được đảm bảo cho lắm. Ở đây có nguy cơ sạt lở đất. Nếu mà chính quyền có xem xét chỗ ở cho bà con có chỗ ở mới, không có bị sạt lở khi mùa mưa đến.”

Nơi ăn, chốn ở thì tạm bợ, còn chuyện đất đai canh tác thì đến nay vẫn là bài toán khó. Theo lãnh đạo huyện Kon Plông, thủy điện đã đi vào vận hành từ năm 2014, tuy nhiên đến nay chủ đầu tư Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh vẫn còn nợ trên 33 tỷ đồng, tiền dùng để hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Ông TRƯƠNG VĂN MINH, Trưởng ban quản lý dự án huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum: “Đến nay công tác bồi thường giải tỏa cơ bản hoàn thành, nhưng công tác bồi thường hiện nay còn chưa chi trả cho người dân khoảng 33 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn tái định canh định cư ở đây là do Thủy điện làm chủ đầu tư cấp. Nguồn vốn thì vừa cổ phần, vừa của nhà nước.”

Để thực hiện dự án thủy điện Đăk Đrinh, 192 hộ, với 843 khẩu ở xã Đăk Nên phải nhường đất cho công trình. Tuy nhiên sự chậm trễ trong công tác bồi thường của Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh - một đơn vị có cổ phần nhà nước không chỉ gây khó khăn cho người dân mà còn gây khó khăn cho cả huyện Kon Plông trong suốt thời gian qua.

Thực hiện : Duy Hòa

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kon-tum-thuy-dien-10-nam-chua-boi-thuong-xong-khu-tai-dinh-cu-bo-hoang-lang-phi