Kỳ 1: Từ lời dạy 'biết ơn Liên Xô' của cha...

Mỗi lần gặp Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi thường bị cuốn theo câu chuyện và dòng cảm xúc không ngừng của ông, một cựu học viên đã từng nhiều lần học tập ở Liên Xô.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn cũng là một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam học chuyển loại và lái máy bay chiến đấu Su-27 ở Liên bang Nga.

Tình yêu nối tiếp qua các thế hệ

Nghỉ hưu năm 2017, Thượng tướng Võ Văn Tuấn tham gia Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga với vị trí Ủy viên Thường vụ, vì ông muốn góp phần vun đắp cho mối quan hệ bền chặt qua thời gian giữa Việt Nam và “quê hương thứ hai” của mình.

Như bao thế hệ người Việt Nam, tình cảm với đất nước Liên Xô/ Liên bang Nga, đã ăn sâu vào tiềm thức các thành viên trong gia đình Thượng tướng Võ Văn Tuấn. Anh trai ông học ở Liên Xô và cha là nhà ngoại giao, hoạt động chủ yếu ở Tây Âu, nhưng thường qua lại Liên Xô như một điểm hẹn công tác quan trọng để phục vụ đấu tranh ngoại giao của Việt Nam thời kỳ đó. Chàng thanh niên Võ Văn Tuấn cũng ước mơ có một ngày được đến xứ sở bạch dương. Cha ông, nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung, nguyên Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Pháp, hồi đó sử dụng tiếng Pháp là chủ yếu, nhưng đã tự học thêm tiếng Nga qua các bài hát từ thời kháng chiến chống Pháp. Không biết từ lúc nào, tình cảm với đất nước Liên Xô vĩ đại được truyền sang ông một cách tự nhiên qua những giai điệu mượt mà của “Chiều Moscow”, “Cây thùy dương”... Ông cảm nhận rõ tình yêu của cha đối với đất nước có nhà thơ Pushkin và cũng như bao người Việt Nam cùng thời, luôn xem Liên Xô là một người bạn lớn. Họ học tiếng Nga, thuộc các bài hát Nga xuất phát từ tình cảm tự nhiên với xứ sở bạch dương.

 Thượng tướng Võ Văn Tuấn hội ngộ người bạn thân, Trung tá Valieri Pogrebenkov (thứ hai, từ trái qua) và bạn bè ở nước Nga vào tháng 9-2019. Ảnh tư liệu

Thượng tướng Võ Văn Tuấn hội ngộ người bạn thân, Trung tá Valieri Pogrebenkov (thứ hai, từ trái qua) và bạn bè ở nước Nga vào tháng 9-2019. Ảnh tư liệu

Lời cha dạy “Phải luôn biết ơn Liên Xô, vì sự giúp đỡ của nước bạn và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em là một yếu tố rất quan trọng để nước ta có được hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển như hôm nay” không lúc nào quên đối với chàng học viên phi công quân sự trẻ tuổi trong suốt những năm tháng được sống và học tập ở nước bạn. Sau này, khi trở về nước, giữ những cương vị công tác khác nhau trong quân đội và khi đã nghỉ hưu, những ân tình và kỷ niệm với đất nước Liên Xô/ Liên bang Nga luôn là một phần ký ức tươi đẹp, thiêng liêng trong trái tim vị tướng. Thượng tướng Võ Văn Tuấn thường xuất hiện trong các chương trình giao lưu trên truyền hình hay trong các bài trả lời phỏng vấn, say sưa nói về Cách mạng Tháng Mười Nga, về tình yêu và lòng biết ơn đối với Liên Xô/ Liên bang Nga.

Đến nay, Thượng tướng Võ Văn Tuấn và gia đình vẫn giữ tình thân thiết với những người bạn Nga ở cả Liên bang Nga và Việt Nam, trong đó có gia đình Trung tá Valieri Pogrebenkov (nay đã 70 tuổi) vốn quen thân từ hồi Thượng tướng Võ Văn Tuấn học ở Học viện Không quân Gagarin hơn 30 năm trước. Ông và Trung tá Valieri Pogrebenkov vừa có cuộc hội ngộ thân tình vào tháng 9-2019, khi ông có dịp trở lại xứ sở bạch dương. Vào dịp lễ, tết, nhất là những ngày kỷ niệm chung, nếu không gặp nhau thì họ cũng gửi tới nhau những lời chúc mừng và chia sẻ thân tình.

Sau quãng thời gian học tập và rèn luyện cùng nhiều chuyến công tác tới nước bạn, ông chiêm nghiệm rằng số phận mình gắn bó với Liên Xô/ Liên bang Nga. “Xuất phát từ đây, con đường binh nghiệp của tôi có định hướng để phát triển, giống như cái nôi, bàn đạp ban đầu để được như ngày hôm nay”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn chia sẻ. Ông vẫn nói vui “mình có duyên với nước Nga vì sinh đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga”, sự trùng hợp ngẫu nhiên mà như sắp đặt để ông gắn bó và yêu mến đất nước mà đối với nhiều thế hệ người Việt Nam trái tim có chung nhịp đập.

Nặng ân tình với người thầy dạy bay đầu tiên...

“Đến bây giờ tôi vẫn không quên người thầy dạy bay đầu tiên có ảnh hưởng quan trọng tới con đường binh nghiệp của mình. Thầy Mikhail Fransevich Skuratovich, một con người đậm chất Xô viết, nhân từ, thẳng thắn, giỏi chuyên môn nhưng rất nóng tính và nhất là luôn hết lòng vì học viên”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn bắt đầu chuỗi ký ức về người thầy đầu tiên khi ông tham gia khóa đào tạo phi công ở Trung tâm Huấn luyện Không quân Liên Xô tại vùng Trung Á năm 1976. Dạo đó, các học viên Việt Nam nghèo nhưng sống tình cảm, lại học giỏi hơn hẳn các học viên nước khác nên được các thầy quý mến. Võ Văn Tuấn và Lê Văn Phương là hai học viên Việt Nam được thầy tin tưởng cho phép thực hiện chuyến bay đơn đầu tiên của khóa học. Vừa mừng vừa lo vì ai cũng muốn được bay đơn, nhưng để bay đầu tiên thì không phải ai cũng can đảm thực hiện. Chuyến bay đơn đầu tiên, vốn có ý nghĩa quan trọng trong đời mỗi học viên phi công quân sự, chẳng hề đơn giản. Ngoài phải đáp ứng về trình độ, khả năng, học viên được phép bay đơn phải vượt qua được tâm lý lo sợ do lần đầu tiên bay một mình trên bầu trời mà không có thầy giáo bên cạnh.

Hai học viên Việt Nam Võ Văn Tuấn (ngoài cùng, bên trái) và Lê Văn Phương cùng thầy giáo dạy bay đầu tiên Mikhail Fransevich Skuratovich (đứng giữa).

Hai học viên Việt Nam Võ Văn Tuấn (ngoài cùng, bên trái) và Lê Văn Phương cùng thầy giáo dạy bay đầu tiên Mikhail Fransevich Skuratovich (đứng giữa).

Ngay từ chuyến bay kèm đầu tiên, thầy Skuratovich đã thử tâm lý, sức khỏe và khả năng của mỗi học viên xem có đủ điều kiện để bay một mình hay chưa. Thượng tướng Võ Văn Tuấn nhớ lại, hồi đó khi được bay kèm cùng thầy Skuratovich đã bị thầy nghiêm khắc la mắng mỗi khi thực hiện không đúng các thao tác kỹ thuật, nhưng nhờ đó mà trò đã trưởng thành hơn. Nhiều khi biết thầy mắng theo thói quen, quát mà không bật radio lên để trò không nghe thấy, như vậy có nghĩa là thầy hài lòng rồi. Kết thúc thành công mỗi chuyến bay đơn, các học viên nghèo Việt Nam không có quà tặng thầy giáo như học viên những nước khác mà chỉ làm một số món ăn truyền thống của quê hương như nem rán rồi mời thầy đến phòng ăn cơm để bày tỏ lòng biết ơn. Thầy trò vì thế mà càng thêm gắn bó, thân tình. Sau chuyến bay đơn đầu tiên trong đời phi công quân sự trên chiếc máy bay L-29 tại sân bay Kant vào năm 1978, Phi đội 3 đã ra bản tin nhanh chúc mừng học viên Việt Nam Võ Văn Tuấn mà đến nay ông vẫn còn giữ được như một kỷ niệm quý giá.

Sau này khi ông về nước, thầy trò vẫn trao đổi thư từ với nhau, đến khi Liên Xô tan rã thì mất liên lạc. Thượng tướng Võ Văn Tuấn có nhờ người tìm thầy Skuratovich trong nhiều năm, mãi tới năm 2010 mới tìm được thầy nhờ một người bạn của ông ở Belarus, quê hương của thầy. Đúng ngày 9-5-2010, kỷ niệm 65 năm Chiến thắng phát-xít, hai thầy trò đã tái ngộ sau nhiều năm, cuộc trò chuyện mừng mừng tủi tủi qua điện thoại trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó, trong một lần sang Liên bang Nga công tác, ông đã nhờ đón thầy từ Belarus tới Liên bang Nga và hai thầy trò có một cuộc gặp mặt ấm cúng, cảm động giữa thủ đô Moscow. Thời điểm đó, Thượng tướng Võ Văn Tuấn mang quân hàm Thiếu tướng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân. Thầy Skuratovich mừng lắm vì gặp lại học trò sau nhiều năm và học trò của ông đã là một vị tướng. Thầy bày tỏ niềm tự hào về cậu học trò Việt Nam yêu quý thuở nào theo một cách rất đặc biệt: Rút phù hiệu phi công quân sự cấp 1 của mình gắn lên ngực áo của học trò rồi nói: “Đây là phù hiệu phi công quân sự cấp 1 của tôi và hôm nay tôi chính thức tặng em”.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, phi công quân sự cấp 1 là đẳng cấp nhất, phải đạt trình độ có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian, địa hình, không kể ngày đêm, trên biển hay đất liền... Vì vậy, để đào tạo được một phi công quân sự cấp 1 là cực kỳ khó. Điều tuyệt vời là Liên Xô đã giúp nước ta đào tạo những phi công “không số”, những phi công anh hùng huyền thoại bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu siêu hiện đại của không quân Mỹ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trở lại câu chuyện với người thầy Xô viết dạy bay đầu tiên, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết, thầy Skuratovich đã mất năm 2018. Thầy trò gặp lại nhau trực tiếp được hai lần và giữ liên lạc thường xuyên cho tới trước khi thầy qua đời. Khi thầy Skuratovich mất, vì không thể sang viếng nên Thượng tướng Võ Văn Tuấn đã gửi vòng hoa và xin phép gia đình được góp chút tấm lòng xây mộ cho thầy giáo cũ. Hai con gái của thầy Skuratovich rất cảm kích trước tấm lòng của người học trò cũ của cha, nhất là giai đoạn sức khỏe của thầy không tốt phải chăm sóc trong bệnh viện, gia đình đã nhận được sự giúp đỡ chân thành của Thượng tướng Võ Văn Tuấn. Hai chị em vẫn gọi Thượng tướng Võ Văn Tuấn là “chú Tuấn” bằng tiếng Nga, coi ông như người thân của gia đình.

(còn nữa)

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-nuoc-nga-trong-trai-tim-toi-nam-2020/ky-1-tu-loi-day-biet-on-lien-xo-cua-cha-644812