Kỳ 2: Hiểm họa từ sự chủ quan

Để phòng tránh cháy nổ, ngay từ đầu năm, phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an thành phố Hà Nội đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn thờ ơ trước những cảnh báo.

Người dân còn thờ ơ

Thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Thành phố Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố đã xảy ra 278 vụ cháy. Đáng chú ý có đến 61% các vụ cháy do nguyên nhân chập điện và 327 vụ chập cháy trên cột điện.

Hầu hết các vụ cháy lớn gây nhiều thiệt hại về người và của đều có một điểm chung đó là do cơ sở không đảm bảo về điều kiện phòng cháy chữa cháy, không trang bị hoặc không có đầy đủ các phương tiện chữa cháy và thiết bị cứu hộ. Ngoài ra, việc thường xuyên kiểm tra và giám sát định kỳ các thiết bị điện cũng chưa được thực hiện tốt.

Tại một số khu chợ, người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng cháy chữa cháy (Ảnh: K.Tiến)

Tại một số khu chợ, người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng cháy chữa cháy (Ảnh: K.Tiến)

Bên cạnh những yếu tố khách quan ấy thì cũng còn những nguyên nhân bắt nguồn từ chính người dân khi đã quá chủ quan với cháy nổ. Theo ghi nhận của phóng viên, các tuyến phố tại Hà Nội, mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh diễn ra phổ biến. Các căn hộ tầng trệt được cư dân tận dụng để buôn bán kinh doanh, nhiều vật dụng, hàng hóa chất kín lối đi.

Bên trên hầu hết các căn hộ đều được cơi nới thêm “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hưng (ở Cầu Giấy) cho biết, làm “chuồng cọp” một phần là để có thêm diện tích sử dụng, phần nữa là để phòng chống trộm cắp. Tuy nhiên, người đàn ông này cũng thừa nhận nếu lỡ có cháy nổ thì sẽ gặp nguy vì lối thoát hiểm bị bao kín.

Còn tại một số chung cư, mặc dù dọc hành lang hệ thống phòng cháy đều được trang bị, nhưng quan sát kỹ thì thấy nhiều thiết bị đã hư hỏng, hoen gỉ sau nhiều năm không sử dụng. Đặc biệt, dọc hành lang nhiều cư dân vô tư tận dụng để bàn ghế ngồi uống nước, hoặc tận dụng để đồ đạc. Một số còn sử dụng diện tích hành lang chung cư để buôn bán, chiếm hết cả lối đi.

Tại nhà ở là thế, tại các khu chợ cũng không khác là mấy. Khi được hỏi về các thiết bị phòng cháy chữa cháy, các kỹ năng cần thiết để xử lý, bà Nguyễn Thị Vân (chợ Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Chúng tôi kinh doanh ở đây cũng đã nhiều lần được cơ quan chức năng vận động tham gia tập huấn phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên vì một số lý do mà tôi cũng chưa tham gia lần nào. Tôi nghĩ hễ cháy thì gọi cứu hỏa chứ bản thân cũng không thể xử lý được”.

Thực tế, hiện nay nhiều người dân lo lắng về an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng bản thân họ cũng chưa tự nâng cao ý thức, chưa tự nhận thấy trách nhiệm của mình đối với an toàn phòng cháy chữa cháy. Điều này thể hiện rõ nhất trong các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng phòng cháy chữa cháy do Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức, bởi hầu hết họ đều vắng mặt.

Ý thức vẫn là yếu tố quyết định

Thực tiễn cho thấy, nâng cao nhận thức về phòng cháy chữa cháy cho người dân vừa là giải pháp hữu hiệu nhất nhưng cũng là thách thức lớn nhất trong phong trào thực hiện toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy.

Đưa ra ví dụ về vấn đề ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, trong một buổi tập huấn, đại diện lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho hay: Dù lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tập huấn, tuyên truyền, thế nhưng thực tế vẫn có những người dân ý thức rất hạn chế. Nhiều hành động nhỏ như đốt vàng mã, ném bừa bãi tàn thuốc còn cháy… cũng có thể là nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền đến người dân (Ảnh: K.Tiến)

Từ đầu năm đến nay, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền đến người dân (Ảnh: K.Tiến)

Do vậy, ý thức và trách nhiệm về an toàn phòng cháy chữa cháy của mỗi người dân là một trong những yếu tố quyết định, kiềm chế cháy nổ. Nhận thức được vấn đề đó, trong năm vừa qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, tuyên truyền đến tận cơ sở.

Bên cạnh đó, tiến hành tổ chức các hội thi, tuyên truyền khuyến cáo, ký kết bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các chợ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp và hộ gia đình. Đồng thời kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại... trong việc quản lý và sử dụng nguồn điện, ga và các chất dễ cháy, nổ khác để bảo đảm an toàn.

Ông Bùi Đăng Tuấn, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, nhấn mạnh:“Phòng cháy chữa cháy không phải là việc của riêng ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn phòng cháy chữa cháy liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người.

Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát Phòng chống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ, mỗi người dân, mỗi chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bản thân. Có như vậy, tai nạn cháy nổ mới từng bước được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước ngày càng bình yên, giàu mạnh”.

Kim Tiến

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-hiem-hoa-tu-su-chu-quan-96889.html