Kỳ 2: Sử dụng trái phép vật liệu nổ - Hiểm họa khôn lường

Dễ mua, dễ sử dụng và cũng đồng nghĩa với việc… dễ phạm pháp. Liên tục những vụ án nghiêm trọng gây ra do vật liệu nổ gây ra cho thấy, việc buông lỏng quản lý đối với những hành vi tàng trữ, mua bán vật liệu nổ đang là vấn nạn cần cảnh báo.

Nhiều vụ án nghiêm trọng từ vật liệu nổ

Vụ nổ xảy ra ngày 7/9, tại tòa nhà HH3A Linh Đàm, Hoàng Mai, xảy ra vụ nổ làm 3 người bị thương, gây hoang mang dư luận xã hội. Sự việc xảy ra vào khoảng 9h. Thời điểm đó, nhiều người dân sống nghe thấy tiếng nổ rất lớn ở khu vực sân ngay sát tòa nhà HH3A, tại một quán trà đá.

Một số nhân chứng cho biết, khi họ đang ngồi uống trà đá ở dưới sảnh tòa nhà thì nhìn thấy một thanh niên mở hộp quà. Ngay sau đó, hộp quà này bất ngờ phát nổ, nam thanh niên bị thương vội chạy ra ngoài. Vụ nổ cũng khiến 3 người khác bị thương, trong đó một người đàn ông bị mảnh vật nổ bắn vào cổ nằm bất động.

Vụ nổ xảy ra khiến nhiều cư dân sống tại chung cư HH Linh Đàm lo lắng, sợ hãi. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt và phát hiện một vật nhỏ giống kíp nổ cách hiện trường vụ nổ không xa.

Hai đối tượng gây ra vụ nổ ở Hoàng Mai và hiện trường vụ án (Ảnh: P.V)

Hai đối tượng gây ra vụ nổ ở Hoàng Mai và hiện trường vụ án (Ảnh: P.V)

Công an quận Hoàng Mai cho biết, đã triệu tập các đối tượng liên quan đến vụ nổ để phục vụ công tác điều tra. Ban đầu, công an xác định nguyên nhân vụ việc xuất phát từ thù tức cá nhân, không phát hiện dấu hiệu liên quan hoạt động khủng bố, phá hoại.

Gần đây nhất, tối 11/9, trong trận đấu giữa câu lạc bộ Hà Nội và câu lạc bộ Nam Định tại vòng 22 V-League tại sân vận động Hàng Đẫy, một quả pháo sáng do cổ động viên đội Nam Định bắn từ khán đài B sang khán đài A đã rơi trúng người một cổ động viên nữ, khiến chị này phải đi cấp cứu. Hậu quả từ quả pháo sáng gây ra khiến nữ cổ động viên bị bỏng lưu huỳnh nặng vào tận xương và phải phẩu thuật hai lần.

Đáng chú ý, khi trận đấu được bắt đầu trở lại, một số cổ động viên quá khích vẫn tiếp tục đốt pháo sáng. Ước tính có đến hàng chục quả pháo sáng đã được đốt tại khu vực khán đài B. Trong quá trình tiếp cận tìm người đốt pháo, một chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an Thành phố Hà Nội đã bị thương, gãy tay và một chiến sĩ khác bị nôn mửa, choáng váng phải vào bệnh viện cấp cứu.

Pháo sáng được ném xuống sân vận động Hàng Đẫy tối 11/9 (Ảnh: T.Nguyên)

Pháo sáng được ném xuống sân vận động Hàng Đẫy tối 11/9 (Ảnh: T.Nguyên)

Theo điều tra của cơ quan công an: Ngày 11/9, Vũ Trung Trực (sinh năm: 1984, trú tại thôn Mỹ Bình, Giao Châu, Giao Thủy, Nam Định) mang 2 quả pháo dù, 18 quả pháo sáng lên Hà Nội để cổ vũ trận bóng đã giữa Câu lạc bộ Hà Nội và Câu lạc bộ Nam Định.

Khi tập trung tại Nam Định, Trực cho 3 người khác 3 quả pháo sáng và bán cho 1 người 6 quả pháo sáng. Trên đường đi, Trực đốt một số pháo sáng, giữ lại 2 quả pháo dù và 4 pháo sáng giấu vào loa thùng để mang vào sân Hàng Đẫy.

Đến khoảng 20h10 (phút thứ 55 của trận đấu), Trực đốt pháo dù nhưng sợ pháo bắn lên trần nên Trực đã hướng pháo dù bay thẳng sang phía khán đài A; khi biết pháo bắn trúng người khác, Trực liền lẩn trốn…

Bản án nào cho đối tượng phạm pháp

Vụ nổ tại Linh Đàm đang được cơ quan Công an quận Hoàng Mai điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, qua thông tin ban đầu, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ thù tức cá nhân, không phát hiện dấu hiệu liên quan hoạt động khủng bố, phá hoại.

Theo luật sư Ngọc Anh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội): “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ và gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định hộp quà xem là quả nổ tự tạo hay có cài vật liệu nổ bên trong, để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn xác định có dấu vết của vật liệu nổ thì người nào có hành vi chế tạo, làm ra thiết bị nổ hoặc được đối tượng chủ mưu thuê làm để sát thương người khác sẽ phải chịu trách nhiệm về tội giết người theo Điều 123, các đối tượng chế tạo sẽ bị xử lý tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”.

Hai đối tượng Vũ Trung Trực và Trần Đắc Chương gây ra vụ việc trên sân Hàng Đẫy (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp)

Hai đối tượng Vũ Trung Trực và Trần Đắc Chương gây ra vụ việc trên sân Hàng Đẫy (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp)

Đối với vụ việc xảy ra trên sân vận động Hàng Đẫy, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc cổ động viên sử dụng pháo để cổ vũ bóng đá, bởi vậy việc mang pháo vào sân vận động là một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi sử dụng pháo gây mất an ninh trật tự, gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Theo phân tích của các chuyên gia luật, pháo sáng ở sân vận động thường là pháo hoa, song nó cũng có thể được xác định là pháo nổ đối với một số trường hợp gây ra tiếng nổ. Việc xác định loại pháo có vai trò rất quan trọng liên quan vì liên quan đến chế tài áp dụng là hình sự hay chế tài hành chính đối với những người mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép.

Trước đây, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng tất cả các loại pháo bởi vậy hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo đều bị xử lý hình sự về tội mua bán hàng cấm.

Trên thực tế, ngày 14/9, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ tại sân vận động Hàng Đẫy và bắt giữ 2 đối tượng có hành vi phạm pháp.

Cần những giải pháp đồng bộ

Hai vụ án nghiêm trọng xảy ra gần đây nhất tại Hà Nội cho thấy, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ để quản lý vật liệu nổ cũng như vũ khí, công cụ hỗ trợ… Đồng thời có biện pháp tuyên truyền đến cán bộ, công nhân viên chức người lao động để họ có thêm kiến thức pháp luật, tránh hành vi phạm pháp không đáng có.

Được biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Trước đây, công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa được quy định cụ thể tại Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do đó hiệu lực pháp lý chưa cao. Việc ban hành luật đã tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, đồng thời huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác này.

Cần tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cần tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhằm quản lý chặt chẽ vấn đề này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố.

Chỉ thị yêu cầu, Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các đơn vị triển khai kế hoạch cao điểm, thực hiện thanh, kiểm tra, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, công tác phòng, chống cháy, nổ. Đồng thời mở các đợt vận động, thu hồi, tiếp nhận, phân loại, bảo quản, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Ngoài những giải pháp nêu trên, việc vận động nhân dân cùng tham gia cũng đang được đẩy mạnh. Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an Thành phố Hà Nội, cho rằng, vận động cán bộ, nhân dân tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại đang đặt ra.

H.Duy

(Còn nữa)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-2-su-dung-trai-phep-vat-lieu-no-hiem-hoa-khon-luong-96587.html