Kỳ cuối: Để những đứa trẻ được chăm lo đủ đầy

Nâng cao chất lượng dân số: Thách thức không nhỏ từ vùng cao

>>>Kỳ 1: Sinh nhiều con: Thực trạng và nguyên nhân

>>>Kỳ 2: Hậu quả buồn

Tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức

Trước hết, phải nhìn nhận rằng việc sinh con thứ 3 trở lên phần lớn bị ảnh hưởng do tư tưởng, nhận thức nên công tác tuyên truyền, vận động là việc làm quan trọng.
Việc tuyên truyền có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như: băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi, tranh, ảnh có nội dung về thực hiện chính sách dân số; rà soát, theo dõi, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số người sinh con thứ 3 và có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên để có biện pháp truyền thông, tư vấn, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình; tuyên truyền về bình đẳng giới cho học sinh bậc THCS, THPT; tổ chức các buổi truyền thông nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề về kế hoạch hóa gia đình; thành lập và hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ, tổ, nhóm không sinh con thứ 3... nhằm thu hút phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba” thôn Làng Giàng (xã Thái Niên).

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Không sinh con thứ ba” thôn Làng Giàng (xã Thái Niên).

Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3” thôn Làng Giàng (xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng) là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả của Chị hội Phụ nữ thôn Làng Giàng. Được thành lập năm 1998 với 10 thành viên, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 50 thành viên.

Chị Lê Thị Kim Loan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3” thôn Làng Giàng cho biết: Mỗi tháng 1 lần, các thành viên trong câu lạc bộ lại gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong cuộc sống, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, nhiều năm nay không những thôn không có thêm trường hợp sinh con thứ 3 trở lên mà số hộ nghèo cũng giảm rõ rệt. Năm 2013, thôn có 118 hộ nghèo, năm 2018 giảm còn 27 hộ nghèo và đến hết năm 2019 không còn hộ nghèo.

Đây chỉ là 1 trong số 26 câu lạc bộ phụ nữ “Không sinh con thứ 3” hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh, với hơn 920 thành viên tham gia. Ngoài ra, trong năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập 15 câu lạc bộ “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” với 490 thành viên.

Việc thực hiện chính sách dân số là 1 trong 8 tiêu chí trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. “Thời gian tới, các cấp hội sẽ tăng cường phối hợp, kết nối nguồn lực, sự vào cuộc của chính quyền, các ban, ngành liên quan để năng cao năng lực đội ngũ cán bộ hội, cán bộ làm công tác dân số; nhân rộng những mô hình đang triển khai hiệu quả tại cơ sở; tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ tư tưởng cổ hủ, lạc hậu”, bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết.

Tăng cường phổ biến các biện pháp tránh thai an toàn

Ngoài công tác tuyên truyền của hội phụ nữ các cấp, công tác y tế liên quan đến việc phổ biến, cung cấp, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn cũng góp phần quan trọng giúp giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 trở lên.

Hiện tại, các biện pháp tránh thai an toàn như dụng cụ tử cung (vòng tránh thai), thuốc tiêm, thuốc uống và viên tránh thai được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp miễn phí cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn. Trong năm 2019, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã cung cấp cho các trung tâm y tế huyện, thành phố 6.350 chiếc dụng cụ tử cung, 10.950 lọ thuốc tiêm, 94.050 vỉ viên uống tránh thai…
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Sỹ Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, các biện pháp tránh thai được cấp miễn phí cho người dân mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong khi biện pháp tránh thai bằng bao cao su đã không được cấp phát miễn phí từ năm 2016. Chi cục cũng triển khai các hình thức tiếp thị xã hội và xã hội hóa nhiều biện pháp tránh thai như bao cao su, viên uống tránh thai, dụng cụ tử cung… để người dân lựa chọn khi có nhu cầu. Điều quan trọng là mỗi người cần hiểu và có lựa chọn phù hợp cho bản thân.

Ngoài ra, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cũng triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ các bà mẹ trong quá trình mang thai như miễn phí khám siêu âm thai 2 lần/bà mẹ để sàng lọc trước và sau sinh; hỗ trợ 600.000 đồng/bà mẹ (thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo) nếu phải chuyển tuyến Trung ương trong thai kỳ hoặc 72 giờ đầu sau sinh.

Các giải pháp nhìn từ thực tế

Trong cuộc trao đổi với anh Bồng Văn Trung (chồng chị Bàn Thị Thu ở thôn Nậm Ké, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà), khi được hỏi nếu đứa thứ 5 vẫn là con gái, vợ chồng anh có sinh tiếp không? Anh Trung cho biết: “Nếu vậy, vợ chồng tôi không sinh thêm nữa mà sẽ xin con trai nuôi. Theo phong tục, nếu không sinh được con trai thì có thể xin con nuôi là người trong dòng họ. Sau này, đứa trẻ ấy sẽ có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên và chăm lo khi bố mẹ về già”.

Đây có thể coi là một biện pháp mà các ban, ngành có thể phối hợp với người dân thực hiện, vừa hạn chế được tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vừa giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Cần tăng cường đội ngũ y tế thôn bản để làm tốt hơn công tác dân số.

Cần tăng cường đội ngũ y tế thôn bản để làm tốt hơn công tác dân số.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, để việc tuyên truyền đạt hiệu quả, cần kết hợp các video, hình ảnh trực quan… giúp nội dung tuyên truyền trở nên dễ hiểu, dễ thu hút sự chú ý của người dân. Ngoài ra, cần tăng cường đội ngũ y tế thôn, bản và cán bộ tuyên truyền hiểu, nói được tiếng đồng bào các dân tộc để giúp công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn.

“Bên cạnh đó, cần mạnh tay hơn và có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chính sách dân số, đặc biệt là những gia đình có người là cán bộ, công chức nhà nước”, bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh nhấn mạnh.

Để những đứa trẻ sinh ra đều được chăm lo đủ đầy thì trước tiên, bố mẹ, người thân của trẻ phải là những người có nhận thức đầy đủ về việc sinh đẻ có kế hoạch. Khi tư tưởng, nhận thức được nâng cao, kết hợp với sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp, chắc chắn cuộc sống và tương lai của trẻ em sẽ được đảm bảo tốt hơn. Đây cũng là yếu tố then chốt góp phần nâng cao chất lượng dân số theo Kế hoạch số 197 ngày 15/6/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 137 ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 130 của Tỉnh ủy trong việc thực hiện Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Hoàng Thương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/ky-cuoi-de-nhung-dua-tre-duoc-cham-lo-du-day-z62n2020033111421644.htm