Kỳ cuối - Gắn đời với rừng



Hương Sơn là địa bàn miền núi có diện tích hơn 84.530 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng tự nhiên 64.705 ha; rừng trồng đã thành rừng 12.750 ha; rừng trồng chưa thành rừng 4.697 ha; đất chưa có rừng 2.376 ha; tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 72,02%. Chính quyền đã giao 81.815 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quản lý, chiếm 96,78%.
Kiểm lâm và bảo vệ rừng là hai lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR. Hiện, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh có tổng 12 hạt kiểm lâm, đóng trải dài tại các xã trên toàn tỉnh. Trong đó, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn được giao quản lý, bảo vệ 84.530 ha rừng với tổng 4 trạm: Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Giang và Sơn Châu.
Mỗi mùa khô đến, nhiệm vụ PCCCR như một “cuộc chiến” đối với lực lượng “gác” rừng. Khi phát hiện cháy, việc xác định vị trí, liên lạc, huy động lực lượng gặp vô vàn khó khăn; có khi phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới tới được điểm phát lửa.

Theo ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, đặc điểm khí hậu tại tỉnh này rất khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài. Riêng địa bàn Hương Sơn, địa hình cao, dốc, hiểm trở, đặc biệt nhiều vùng rừng tự nhiên nằm sâu, giáp ranh với nước bạn Lào; các diện tích rừng trồng manh mún, xen kẽ khu dân cư nên đây được xác định là địa bàn trọng điểm về công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR. Điều này, càng đặt nặng trách nhiệm lên vai mỗi cán bộ, nhân viên kiểm lâm và bảo vệ rừng.

Dẫu là hai lực lượng, song kiểm lâm và bảo vệ rừng đều cùng chung màu áo xanh, chung nhiệm vụ bảo vệ rừng. Điểm chung của những người “gác” rừng còn là màu da rắn rỏi, rám nắng, giọng nói khàn đặc và nụ cười mộc mạc. Với họ, rừng là nhà, giữ rừng là nghiệp. Muốn làm nghề này phải có sức khỏe, sự kiên trì bền bỉ. Đồng lương ít ỏi, cũng không ít anh em cán bộ lung lay xin thôi việc, tìm hướng đi mới nhưng cũng có rất nhiều người quyết tâm bám trụ, dẫu nghề không nuôi nổi nghề vì tình yêu mãnh liệt với đại ngàn.
"Đặc thù xa nhà, anh em gần như phó thác công việc hết cho vợ, từ chăm bố mẹ già đến lo cho con cái học hành. Ban hiện có 49 cán bộ, viên chức và người lao động nhưng chỉ 21 người là biên chế, còn lại là hợp đồng ngắn hạn, đồng lương phụ thuộc vào nguồn kinh phí khoán bảo vệ rừng nên đời sống rất vất vả. 20 năm gắn bó với rừng, nay tôi là phó ban nhưng lương cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng”, anh Đào Văn Giang (Phó ban BQL Ngàn Phố) trải lòng.


Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng và PCCCR đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Theo ông Lê Ngọc Danh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn, nhiều vụ cháy đã được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời nhờ hệ thống camera giám sát rừng.
Các camera an ninh được lắp đặt tại cửa rừng, các vị trí cao và truyền tín hiệu trực tiếp về trung tâm điều hành tại Hạt Kiểm lâm Hương Sơn. Tổ giám sát gồm cán bộ kiểm lâm và BQL Ngàn Phố, theo dõi tín hiệu 24/24 giờ, giúp phát hiện nhanh điểm cháy, xác định tọa độ, tổ chức lực lượng chữa cháy ngay từ đầu.
Ngoài ra, phần mềm ảnh vệ tinh còn hỗ trợ phân tích nguy cơ cháy rừng, phát hiện các vùng rừng có nguy cơ bị xâm hại để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý kịp thời.

Dẫu công nghệ đã vào cuộc, song như lời ông Hoàng Quốc Huấn (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) thì “giữ rừng vẫn chủ yếu dựa vào con người”. Không chỉ dừng lại ở luật pháp, chế tài, mà còn tập trung vào lợi ích thiết thực của người dân khi tham gia bảo vệ rừng, từ việc phát triển sinh kế, môi sinh, đến giữ gìn môi trường sinh thái... Khi người dân thấy rõ quyền lợi gắn liền với rừng thì họ sẽ chủ động gìn giữ rừng bền vững hơn.
Sau khi Hà Tĩnh thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp liên xã trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Đây được xem là một giải pháp linh hoạt và hiệu quả, nhất là ở các địa phương trọng điểm như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang – nơi có diện tích rừng tự nhiên và rừng phòng hộ lớn.

Đánh giá cao vai trò, sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, ông Trần Bình Thân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Tiến (trước sáp nhập đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn) cho hay, nhiều năm qua, lực lượng BQL Ngàn Phố và Hạt Kiểm lâm Hương Sơn đã phát huy tốt vai trò trong công tác bảo vệ rừng. Mặc dù lực lượng mỏng, địa hình rộng, hiểm trở, nhưng công tác tổ chức, phối hợp rất nhịp nhàng, bài bản. Đặc biệt, trong việc giao nhiệm vụ, thành lập các tổ trực gác đối với các hộ nhận giao khoán rừng; phối hợp với cấp ủy chính quyền hàng năm triển khai cắt đường băng cản lửa, phòng cháy rừng. Những đóng góp, phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng cho kết quả rõ rệt. Hai năm qua, địa bàn Hương Sơn đã không xảy ra vụ cháy rừng nào.

Nội dung, thiết kế: NGÂN HÀ
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/multimedia/ky-cuoi-gan-doi-voi-rung-152346.html