Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV- Không cầu toàn để tạo đột phá
Phó Chủ tịch Quốc hội luôn 'đặt chuông báo thức' đối với tinh thần, trách nhiệm và trí tuệ làm việc của toàn thể cán bộ tham gia công tác lập pháp của Quốc hội.

Trong suốt thời gian kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra, tại bất cứ phiên họp nào của các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định luôn nhấn mạnh nhiều lần về ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chưa từng có trong lịch sử 80 năm Quốc hội Việt Nam của kỳ họp thứ 9. Phó Chủ tịch Quốc hội luôn “đặt chuông báo thức” đối với tinh thần, trách nhiệm và trí tuệ làm việc của toàn thể cán bộ tham gia công tác lập pháp của Quốc hội, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, chậm trễ.
Đánh giá cao về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã biểu dương tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, làm việc với tinh thần “không phải hết giờ thì nghỉ mà phải hết việc mới nghỉ”. Điều này đảm bảo tinh thần trách nhiệm của các đại biểu thành viên Ủy ban nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và các đơn vị hành chính các cấp của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
“Chưa bao giờ Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đảm nhiệm công việc nặng nề như tại kỳ họp này với tinh thần làm việc ngày - đêm không nghỉ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh và lưu ý khối lượng công việc rất nhiều, các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp phải phát huy trí tuệ, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội chia sẻ: “Công tác lập pháp chủ yếu là do Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đảm nhận, đây là công việc rất nặng nề. Thậm chí, ngoài những dự án luật do Chính phủ trình, Thường vụ Quốc hội giao, phân công cho Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra còn có các dự án luật khác mà các Ủy ban khác cũng như Hội đồng Dân tộc thẩm tra đều ‘nhờ’ Ủy ban Pháp luật và Tư pháp "nhúng tay vào". Điều này thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và chuyên môn rất lớn của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, nhất là trong kỳ họp thứ 9 lần này”.
Theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, trên tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 66-NQ/TW, Nghị quyết 197, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội đã luôn chuẩn bị và sẵn sàng tâm thế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp xây dựng và phát triển các dự án luật với quyết tâm tháo ngỡ điểm nghẽn, tạo đột phá. Đặc biệt, đối với những dự án luật qua các thời kỳ trước đây, các Ủy ban đã chủ động rà soát, xem xét tính hợp lý các dự án luật so với tình hình thực tiễn của đất nước, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi sao cho phù hợp, để đất nước thực sự bước vào kỷ nguyên mới.
“Thực tế, để có được những dự thảo các dự án luật, Nghị quyết cũng như những báo cáo thẩm tra, điều chỉnh trong kỳ họp lịch sử này, những con người tham gia công việc lập pháp thường xuyên làm việc xuyên ngày - đêm với tinh thần làm cho hết việc, chứ không làm cho hết giờ. Tất cả đều vì mục đích tạo ra bộ luật ổn định và lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Dẫn chứng về tinh thần không cầu toàn và quyết tâm cao trong việc tạo đột phá về thể chế và pháp luật trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết, trước khi Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh năm 2025 được Quốc hội bấm nút thông qua ngày 12/6, một số ý kiến vẫn còn băn khoăn về tính hiệu lực của Nghị quyết và cho rằng cần lùi lại đến ngày 1/7 sao cho bấm nút đồng bộ với việc đưa chính quyền 2 cấp vào hoạt động.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội khẳng định: “Chúng ta phải vượt ra khỏi vùng an toàn, không cầu toàn 100%. Như vậy mới có thể tạo nên đột phá về thể chế và pháp luật, kiến tạo nên những quyết định đáp ứng nhu cầu của thực tiễn”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh năm 2025 được Quốc hội thông qua ngày 12/6 sẽ bổ sung các đơn vị hành chính hay các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Điều 1 của Nghị Quyết này và chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025. Từ đây, sẽ có 18 ngày để các cơ quan chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, ổn định tổ chức bộ máy.
“Giống như việc sáp nhập đối với các cơ quan Trung ương cấp Bộ, từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết cho đến khi các đơn vị chính thức hoạt động thì bộ máy cũ vẫn vận hành bình thường để không làm gián đoạn công việc của cơ quan tổ chức, cá nhân. Từ ngày 1/7, bộ máy sẽ được vận hành với tư cách mới, trong thời gian 18 ngày là hoàn thiện con dấu, tổ chức cán bộ, điều chuyển con người…điều này là không thể chậm trễ”, ông Hoàng Thanh Tùng chia sẻ.
“Chắc chắn chúng ta không thể cầu toàn và cũng không thể chắc chắn từ ngày 1/7/2025 bộ máy hoạt động trơn tru. Trên tinh thần ‘vừa chạy vừa xếp hàng’, nhiều vấn đề phải được triển khai một cách đồng thời. Sau khi vận hành chính thức thì sẽ tiếp tục xem tính hợp lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tái nhấn mạnh và cho biết, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo, sau 2 tháng triển khai (từ tháng 7 đến tháng 9/2025) sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá lại trên toàn quốc, xem các quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức vận hành, phương thức hoạt động của 34 chính quyền cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt là 3.321 đơn vị hành chính cấp xã vận hành thế nào. Sau đó, cần thiết phải có sự điều chỉnh tiếp.
“Đây là quá trình rất bình thường nhưng cũng rất quan trọng”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng “bật mí” thêm về tinh thần tạo ra đột phá thể chế và pháp luật khi Quốc hội bàn về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế.

“Với cơ chế đặc thù, vượt trội và phải rất khác biệt thì mới có thể cạnh tranh được vì đây Trung tâm ‘sinh sau đẻ muộn’ so với thế giới. Thực sự cần phải có điều gì đó rất khác biệt, nổi trội với nhiều cơ chế, chính sách được quy định trong dự thảo Nghị quyết nhưng cũng chưa thể nào lường trước hết được mọi thứ”, ông Hoàng Thanh Tùng nói và cho rằng, trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng yêu cầu vận hành của Trung tâm tài chính quốc tế thì phải cho phép Chính phủ làm một số nội dung, khác với một số quy định liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành của Quốc hội để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, điều này là cần thiết.
Ông Hoàng Thanh Tùng ví dụ: Trung tâm tài chính quốc tế liên quan rất nhiều đến cơ chế vận hành của các nguồn tiền, khác biệt với cách thức điều hành như bây giờ vì Trung tâm có tính đặc thù vượt trội. Nếu áp dụng các quy định của luật hiện có hay liên quan hoặc các nội dung trong Nghị quyết Quốc hội sẽ ban hành cũng chưa đủ.
Có thể có những nội dung vướng với các quy định pháp luật hiện hành, pháp lệnh ngoại hối mà phải chờ báo cáo lại với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sửa thì với quy trình bình thường cũng phải mất 2 tháng, không đáp ứng yêu cầu kịp thời. Cho nên cũng là một phương thức xử lý vấn đề đặt ra hiện nay trong bối cảnh cần nhiều sự đột phá, đổi mới tư duy, suy nghĩ táo bạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cho phép Chính phủ trong những trường hợp như vậy ban hành những văn bản, Nghị định tự quyết để quy định những vấn đề khác với quy định ở trong các nghị quyết để thỏa mãn nhu cầu vận hành của Trung tâm hành chính quốc tế.
“Từ đây, cơ chế báo cáo, xử lý báo cáo cũng cần phải rành mạch hơn. Nguyên tắc báo cáo là để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát nội dung Chính phủ ban hành. Nếu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy quy định không phù hợp thì hoàn toàn có thẩm quyền đưa ra Nghị quyết đình chỉ nội dung, quy định đó. Còn nếu đồng ý cũng có nghĩa là phải làm rõ để luật hóa", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nói.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nhận định, Nghị quyết số 66-NQ/TW được xem là một bước chuyển mới quan trọng, có tác động trực tiếp đến hoạt động của Quốc hội và đời sống chính trị, pháp lý của đất nước.
“Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV có tính lịch sử, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, liên quan đến cả hoạt động lập pháp cũng như tác động đến kinh tế - xã hội, tạo ra một bước chuyển mới cho đất nước. Kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, với việc xem xét thông qua 34 luật và cho ý kiến về 14 dự án luật khác; đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội của đất nước. Sự linh hoạt, trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội trong triển khai Nghị quyết 66 thể hiện ngay ở những sản phẩm, nội dung của gần 50 dự thảo luật được xem xét và thông qua tại kỳ họp này”, đại biểu Trịnh Xuân An nhận định và cho rằng, những dự thảo luật này đang được thể hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW, đó là khoảng cách giữa nghị quyết cho đến nghị trường được rút ngắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm cao của Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, bước vào kỳ họp lịch sử lần này, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội đều đã quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW, Nghị quyết 197, nắm chắc quy trình làm luật, phương pháp làm luật và tư tưởng đổi mới trong xây dựng pháp luật để áp dụng vào ngay những nội dung đang triển khai tại kỳ họp.
“Trước hết phải nhìn nhận ra những ‘điểm nghẽn’ thể chế cụ thể là gì, không thể nói chung chung. Ví dụ, đối với các đạo luật, phải đi vào nội dung của từng điều, từng khoản để thấy được từng ‘điểm nghẽn’, điểm nào cần tháo gỡ. Chúng ta phải hình thành nên một cơ sở dữ liệu về các ‘điểm nghẽn’ thể chế để liệt kê ra được đang nghẽn ở đâu, lĩnh vực nào, liên quan đến luật nào, để thống nhất từ cơ quan thực thi đến cơ quan làm chính sách các nội dung cần tháo gỡ, nhất là liên quan đến những lĩnh vực có sự chồng lấn”, đại biểu Trịnh Xuân An nhìn nhận và khẳng định: “Mục tiêu lớn nhất mà Nghị quyết 66 hướng đến là phục vụ người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của đất nước. Khi đã có sự thống nhất về mục tiêu, cơ sở chính trị rõ ràng và quyết tâm mạnh mẽ, tôi tin rằng chúng ta có cơ sở để vững tin hành động, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn ĐBQH TP. HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, ngoài mang tính lịch sử, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV còn đạt kỷ lục về số lượng với hàng chục dự án luật và Nghị quyết được đưa ra thảo luận và thông qua, vượt qua rất nhiều so với các kỳ họp Quốc hội trước đó. Đặc biệt, tại kỳ họp này, nhiều nội dung có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của đất nước nên càng cho thấy tầm quan trọng trong của việc đột phá trong thể chế và pháp luật.
“Thực tế, thời gian vừa qua là điểm nghẽn của các điểm nghẽn. Với tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chúng ta đang tiếp tục làm và làm hơn nữa trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Tại kỳ họp lần này cũng đã cho thấy sự đột phá rõ ràng về tư duy trong việc lập pháp để thể chế phù hợp với thực tiễn và bền vững lâu dài, chứ không phải ban hành rồi lại sửa”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói và đánh giá những dự án luật và Nghị quyết của Quốc hội được đưa ra tại kỳ họp thứ 9 vừa có tầm nhìn xa, lâu dài, vừa đáp ứng được ngay những vấn đề cáp bách của thực tiễn đất nước.
“Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm rất cao trong việc hoàn thành thật nhanh việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhờ đó mới có được những dự thảo dự án luật, Nghị quyết Quốc hội mang tính quyết sách vận mệnh của đất nước”, đại biểu đoàn TP. HCM nhấn mạnh.
