Kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh Phú Thọ: Khởi đầu cho tiến trình phát triển vươn mình
Chiều 1/7, tại tỉnh Phú Thọ, HĐND tỉnh Phú Thọ Khóa XIX đã khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bùi Minh Châu; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Hinh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà…

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: T.Tâm
Điểm khởi đầu cho hoạt động của bộ máy mới
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh Phú Thọ được tổ chức sau khi các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh được ban hành; và ngay sau khi các Nghị quyết chỉ định Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND cấp tỉnh có hiệu lực.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Quang phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: T.Tâm
Kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, đặc điểm khởi đầu hoạt động của bộ máy HĐND tỉnh Phú Thọ; đánh dấu thời điểm hệ thống chính quyền cấp huyện đã hoàn thành xuất sắc, trọn vẹn sứ mệnh lịch sử, chính thức kết thúc hoạt động. Và cùng với cả nước, tỉnh Phú Thọ chính thức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7. Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, tham gia ý kiến vào các dự thảo tờ trình, nghị quyết và quyết nghị các nội dung trình tại Kỳ họp.

Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: T.Tâm
Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Phú Thọ có 148 đơn vị hành chính cấp xã với tổng diện tích tự nhiên trên 9.360km2, quy mô dân số trên 4 triệu người. Tỉnh Phú Thọ là một chỉnh thể thống nhất về hành chính - kinh tế - xã hội; hòa quyện về không gian địa lý, lịch sử, văn hóa, dân cư và cơ cấu kinh tế; mở ra không gian phát triển mới cân bằng, gắn kết chặt chẽ giữa đồng bằng - trung du - miền núi; tích hợp nhiều động lực, bổ sung đa dạng tiềm năng, nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tặng hoa chúc mừng Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ. Ảnh: T.Tâm
Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2021 - 2026; công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chỉ định nhân sự giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc chỉ định Ủy viên UBND tỉnh, phê chuẩn Phó Trưởng ban, Ủy viên các Ban của HĐND tỉnh Phú Thọ; thông báo số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tặng hoa chúc mừng Thường trực UBND tỉnh Phú Thọ. Ảnh: T.Tâm
Đồng thời, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua các Nghị quyết về thành lập các Ban của HĐND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; thông qua Nghị quyết ban hành kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2025. Các Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành triển khai thực hiện, bảo đảm cho hoạt động của bộ máy chính quyền tỉnh Phú Thọ vận hành thông suốt, hiệu quả sau khi hợp nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Lấy kết quả phục vụ nhân dân làm tiêu chí, thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong khẳng định, Kỳ họp thứ Nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọngđánh dấu sự vận hành chính thức của bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: T. Tâm
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong khẳng định: Kỳ họp thứ Nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đánh dấu sự vận hành chính thức của bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sau hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình mà còn mở ra một chương mới cho hành trình phát triển mạnh mẽ, bền vững của tỉnh Phú Thọ trong hình hài mới, lớn hơn về quy mô, dồi dào về nguồn lực và vững vàng hơn về vị thế.
Thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, thời gian qua, toàn tỉnh đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn để đến hôm nay bộ máy mới chính thức được vận hành. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của vùng Đất Tổ, kế thừa kết quả, kinh nghiệm quý báu của các nhiệm kỳ trước; đồng thời quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, ngay từ kỳ họp này, HĐND tỉnh khẩn trương hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự các Ban HĐND tỉnh, ban hành đầy đủ các quy chế làm việc của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh.
Phân công nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm tính liên thông, đồng bộ và phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu trong công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND tỉnh, nâng cao năng lực đại biểu HĐND tỉnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: T.Tâm
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cần tiếp tục khẳng định vai trò của HĐND tỉnh trong điều kiện phân cấp mạnh mẽ hiện nay về tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm; nâng cao chất lượng nghị quyết ban hành, chủ động cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chương trình hành động của Tỉnh ủy thành nghị quyết của HĐND tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và khả thi. Trong đó cần lưu ý các nghị quyết phải bám sát “bốn trụ cột” theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng đảng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: T. Tâm
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tạo sức mạnh tổng hợp, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, bảo đảm sự điều hành thống nhất, nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là trong giai đoạn hoàn thiện tổ chức bộ máy mới sau sáp nhập. Đặc biệt, phải chủ động, tích cực phối hợp cùng với cấp ủy chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo xây dựng đề án bầu cử ĐBQH và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2026 - 2030 từ khâu chuẩn bị, tổ chức, giám sát bầu cử bảo đảm chất lượng đại biểu của nhiệm kỳ mới thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị và tinh thần phục vụ nhân dân và khát vọng vươn lên.
Mặt khác, HĐND tỉnh cần đổi mới nhận thức phục vụ nhân dân, lấy kết quả phục vụ nhân dân làm tiêu chí, thước đo đánh giá nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo điều kiện để nhân dân, cử tri tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh…