Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận ở tổ về Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 3/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 13 cùng với các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Đoàn ĐBHQ tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Đoàn ĐBHQ tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại tổ.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Đoàn ĐBHQ tỉnh Ninh Bình) cho biết: Qua việc tiếp xúc cử tri ở Ninh Bình, nhiều cử tri phản ánh những khó khăn, bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét chuyển Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất về UBND huyện quản lý, điều hành để thuận lợi hơn trong việc giải quyết những vấn đề ách tắc, chậm làm thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay tại các địa phương.

Tham gia thảo luận tại tổ về Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình góp ý cụ thể về các điều 130, 124, 144, 181.

Theo đại biểu: Điều 130, ban soạn thảo mới đang dự liệu quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác. Nhưng chưa tính đến những trường hợp mà chuyển từ các loại đất nông nghiệp khác sang đất trồng lúa hoặc chuyển từ đất phi nông nghiệp sang các loại đất nông nghiệp mà không nhất thiết phải là sang đất trồng lúa thì có phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm duyệt không? Hay là người sử dụng đất sẽ tự chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó sẽ đến đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện? Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét để bổ sung vào dự thảo luật, đảm bảo tính đầy đủ của toàn diện các trường hợp.

Đối với quy định về ngân hàng, đất nông nghiệp (điều 124), đại biểu cho rằng đây là một mô hình hoàn toàn mới và cũng là mô hình thể chế hóa quan điểm tập trung và tích tụ ruộng đất để đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, là một giải pháp hết sức quan trọng và hết sức hiệu quả để chúng ta giải quyết những cái mâu thuẫn, bất cập hiện nay.

Tuy nhiên, tại Khoản 1, Điều 124 có quy định "ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp". Quy định này vẫn chưa đề cập cụ thể hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp là có sự điều chỉnh của Luật các tổ chức ín dụng không? và cơ quan nào có thẩm quyền thành lập ngân hàng, đất nông nghiệp và hoạt động của mô hình ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước hay chịu sự quản lý Nhà nước của bộ, ngành nào? Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để bổ sung đầy đủ những nội dung trên để bảo đảm dễ triển khai trong thực tiễn.

Đối với quy định đất sử dụng có thời hạn (Điều 144), đại biểu nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cụ thể trong luật về tiêu chí cơ sở cụ thể để xem xét tiếp tục cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân khi hết thời hạn thuê đất.

Về hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2, Điều 181, cần bổ sung thêm điểm c đó là: quy định về năng lực, trình độ, quy mô sản xuất nông nghiệp và năng lực tài chính của người sử dụng đất.

Buổi chiều, Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ về 4 nhóm vấn đề. Phiên chất vấn sẽ diễn ra từ chiều 3/11- ngày 5/11. Các phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.

Theo đó, chiều 3/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn.

Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội; Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.

Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tham-gia/d2022110314515055.htm