Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận ở tổ về một số dự án luật

Sáng 1/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và các vị trong Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 13 cùng với các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Các đại biểu thảo luận tại tổ.

Các đại biểu thảo luận tại tổ.

Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Đoàn ĐBHQ tỉnh Ninh Bình) cho rằng tên dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là phù hợp với nội hàm của các điều luật.

Góp ý cụ thể về điều 4 (giải thích từ ngữ), đại biểu đề nghị cần giải thích cụ thể về "kiểm toán hợp tác xã", "kiểm toán nội bộ hợp tác xã" là gì? Góp ý về quy định số lượng thành viên của HTX, về phân loại các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu đề nghị cần có tiêu chí phân loại HTX theo mức độ: siêu nhỏ, nhỏ, nhỏ vừa và lớn, để tạo thuận lợi hơn trong việc ban hành các chính sách và quản lý cho từng loại hình.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Đoàn ĐBHQ tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại tổ.

Đồng thời đề nghị quan tâm đến việc thiết kế các quy định về cơ chế chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu và nhận lại tài sản thành viên góp vốn vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Điều này sẽ góp phần làm cho minh bạch tài sản và trách nhiệm giữa pháp nhân, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với tài sản của các thành viên.

Đề nghị không nên đưa quy định Liên đoàn HTX vào dự thảo mà trước mắt nên thực hiện thí điểm, sau đó đánh giá, tổng kết. Ngoài ra, đại biểu góp ý cụ thể về tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác và một số nội dung được quy định tại điều 67 của dự thảo luật.

Tham gia thảo luận tại tổ về Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Đinh Việt Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo. Góp ý về các nội dung liên quan đến việc xây dựng kế hoạch phòng thủ (Điều 11), đại biểu đề nghị cần có quy định về bố trí nguồn lực lồng ghép các công trình phòng thủ dân sự để đảm bảo được việc huy động nguồn lực thực hiện một cách hiệu quả trong thực tiễn…

Trước đó, trong phiên buổi sáng, các đại biểu họp toàn thể tại hội trường và thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung như: tên gọi, khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị cấm; đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền; nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phân loại thách thức xử lý đối với các kết quả đánh giá rủi ro; tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của từng loại khách hàng…

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tham-gia/d202211011802834.htm