Kỳ II: Giải bài toán lượng và chất

Mặc dù thời gian qua, các hội viên nông dân là đảng viên luôn phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình và công tác xã hội ở địa phương, trở thành những hạt giống đỏ, những nhân tố điển hình...

Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương thành lập Chi hội khoa học, thu hút các giảng viên và sinh viên Khoa Nông- Lâm- Ngư tham gia hoạt động, tạo môi trường để phát triển đảng viên trong tổ chức hội.

(baophutho.vn) - Mặc dù thời gian qua, các hội viên nông dân là đảng viên luôn phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình và công tác xã hội ở địa phương, trở thành những hạt giống đỏ, những nhân tố điển hình, ở những cơ sở hội có tỉ lệ đảng viên là nông dân cao thì mọi hoạt động, phong trào đều mạnh mẽ, nhưng công tác phát triển Đảng trong tổ chức hội nông dân, nhất là ở cấp cơ sở hiện nay đang gặp phải không ít khó khăn. Do đó, để gỡ khó trong giải bài toán lượng và chất, hội nông dân các cấp trong tỉnh đã, đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ.
Khó khăn từ thực tế
Theo báo cáo của Hội nông dân tỉnh, hội viên là đảng viên hiện mới chiếm gần 11,6% tổng số hội viên tham gia tổ chức hội, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với số lượng hội viên hiện có, trong khi hàng năm số lượng hội viên được bồi dưỡng kết nạp Đảng chỉ dao động trên dưới 200 người. Đơn cử, năm 2021, Hội nông dân (ND) các cấp dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng các hội viên nông dân song số hội viên được giới thiệu cho tổ chức Đảng cơ sở xem xét kết nạp trên toàn tỉnh mới đạt 181 người. Con số này chưa xứng với tiềm năng do số lượng hội viên hiện có là 198.769 người, trong khi tổ chức hội muốn mạnh thì cùng với số lượng đông đảo hội viên rất cần nâng cao về chất lượng, phát triển những nhân tố, hạt giống tích cực để đảm đương tốt vai trò của nông dân Việt Nam trong tình hình mới. Quá trình đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được không ít cán bộ Hội chia sẻ rằng, công tác phát triển hội viên nông dân trở thành đảng viên thực tế đang gặp khó khăn.Tại Hạ Hòa, Hội ND huyện hiện quản lý 20 hội nông dân cơ sở với 17.892 hội viên, trong đó số hội viên là đảng viên có 2.916 người, chiếm 16,3%, tuy cao hơn tỉ lệ chung song Chủ tịch Hội ND huyện - Lữ Mạnh Thắng cũng thẳng thắn cho biết: Công tác phát triển Đảng trong hội viên nông dân thực sự khó khăn do phần lớn thanh niên nông thôn học xong phổ thông muốn thoát ly khỏi đồng ruộng, số ở nhà thì lo làm kinh tế, không tích cực tham gia sinh hoạt các đoàn thể, trong đó có hội nông dân, một bộ phận hội viên nhận thức chính trị còn hạn chế, chưa có ý chí phấn đấu vào Đảng. Bên cạnh đó, hội viên nông dân trình độ, tuổi tác không đồng đều, có hội viên muốn phấn đấu vào Đảng nhưng khi đối chiếu với các tiêu chí về tuổi tác, trình độ văn hóa thì không đáp ứng được, dẫn đến khó chọn nguồn để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Mặc dù Hội ND huyện đã định hướng mỗi Hội ND xã, thị trấn phải bồi dưỡng 2- 3 hội viên/năm để giới thiệu kết nạp Đảng, song không phải đơn vị nào cũng thực hiện được, năm 2021 toàn huyện hội cũng chỉ có 14 hội viên ưu tú/20 hội cơ sở được kết nạp Đảng. Tương tự như Hạ Hòa, ở huyện Phù Ninh công tác phát triển đảng viên là hội viên nông dân cũng không dễ. Đồng chí Nguyễn Thị Anh Tấn- Chủ tịch Hội ND huyện Phù Ninh chia sẻ: Dù chúng tôi đã chỉ đạo các Hội Nông dân cơ sở cố gắng “tìm, gạn” tạo nguồn hội viên ưu tú để giới thiệu với cấp ủy xem xét kết nạp Đảng, song quanh đi quanh lại cũng rất khó bởi lớp trẻ sau khi học xong cao đẳng, đại học thì đi công tác trong các cơ quan, đơn vị; người không học đại học thì đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, buôn bán hoặc đi xuất khẩu lao động. Một số ở nhà lao động tự do nhưng không tham gia hoạt động hội ở địa phương. Cá biệt có những trường hợp tham gia tổ chức hội ở cơ sở nhiệt tình, được bồi dưỡng để kết nạp Đảng nhưng khi hoàn thành thủ tục lại xin rút với lý do đã xin được việc làm ở doanh nghiệp… Do đó, trong năm 2021 toàn huyện hội cũng chỉ có 11 hội viên ưu tú được kết nạp bổ sung vào đội ngũ của Đảng, mục tiêu phấn đấu 100% cơ sở hội có hội viên kết nạp Đảng lại… chuyển sang năm tiếp theo.

Mô hình trồng cam V2 ở xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa quy mô 4ha, cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Giải bài toán lượng và chất
Tuy trong công tác phát triển đảng viên là nông dân gặp nhiều khó khăn thì cũng đã xuất hiện một số hội nông dân cơ sở có cách làm hay trong bồi dưỡng hội viên, tạo nguồn cho Đảng. Về xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh chúng tôi được Chủ tịch Hội ND xã Nguyễn Dũng giới thiệu, năm 2021 xã phát triển mới được 5 đảng viên, thì 2 trong số đó là hội viên nông dân thuộc Chi hội 2. Quá trình tìm hiểu được biết, Chi hội 2 đã có cách làm hay trong phát hiện, bồi dưỡng “hạt giống đỏ”. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quang Anh- Chi hội trưởng nông dân kiêm Trưởng khu, Phó Bí thư Chi bộ khu 2 cho biết: “Chi hội thường xuyên nắm bắt tâm tư của hội viên, từ đó gợi mở hướng phấn đấu, tạo điều kiện để hội viên tham gia mọi phong trào, hoạt động của hội, khu dân cư. Qua các phong trào sẽ lựa chọn nhân tố điển hình để truyền lý tưởng cách mạng, giúp hội viên thấy được vinh dự khi đứng trong đội ngũ của Đảng. Bản thân tôi cũng tham mưu, đề xuất với Chi bộ điều chỉnh linh hoạt thời gian, cách thức sinh hoạt để hàng tháng các đảng viên trong Chi bộ đều tham dự đầy đủ. Hiện Chi bộ khu 2 có 38 đảng viên, trong đó 36 đảng viên là hội viên nông dân và các đoàn thể khác. Năm 2022 chúng tôi đang bồi dưỡng kết nạp thêm một đảng viên là hội viên nông dân”. Tại huyện miền núi Yên Lập, để tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển Đảng ở tổ chức hội, Hội ND huyện đã rà soát, đánh giá chất lượng hội viên, từ đó lựa chọn những hội viên ưu tú để bồi dưỡng, giáo dục, định hướng cho hội viên có động lực phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cùng với nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng cho hội viên, Hội ND huyện chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khuyến khích hội viên tổ chức lại sản xuất với tư duy mới, cách làm mới nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn, vay vốn phát triển sản xuất, đẩy mạnh các phong trào thi đua… Từ đó thu hút hội viên, tạo môi trường cho hội viên rèn luyện phấn đấu vào Đảng. Kết quả, năm 2021 đã có 38 hội viên nông dân ưu tú được kết nạp Đảng, đứng đầu 13 huyện hội ND toàn tỉnh.Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hạnh - TUV, Chủ tịch Hội ND tỉnh khẳng định: Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ tỉnh đến cơ sở đều rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong tổ chức hội với phương châm chú trọng phát triển tổ chức hội vững mạnh cả về lượng và chất, không vì số lượng mà coi nhẹ chất lượng. Hàng năm tuy không giao chỉ tiêu cụ thể số lượng hội viên được kết nạp Đảng song bám sát Nghị quyết số 05-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 của BCH Trung ương Hội ND Việt Nam, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã thường xuyên đánh giá chất lượng hội viên, nâng cao công tác quản lý, kịp thời bồi dưỡng, định hướng cho hội viên. Phương thức tập hợp hội viên cũng được đổi mới, đối tượng kết nạp hội viên được mở rộng như học sinh, sinh viên, nhà khoa học, công nhân… Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh xây dựng chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp với 55 chi hội nghề nghiệp, 209 tổ hội nghề nghiệp…; đây là môi trường thuận lợi để bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng từ hội viên nông dân. Đồng thời tổ chức các hoạt động thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, vay vốn, chuyển giao KHKT… nhằm tăng quyền lợi, thu hút hội viên tham gia tổ chức hội để từ đó lựa chọn, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp.Để nâng cao chất lượng hội viên, phát triển đảng viên trong nông dân, bên cạnh những kinh nghiệm hay từ thực tế, Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến cơ sở hàng năm cũng nên giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên là hội viên nông dân, coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua xây dựng tổ chức hội vững mạnh đi đôi với tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, năng lực sản xuất cho nông dân có lý tưởng, nguyện vọng để kết nạp vào Đảng, tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng người nông dân Việt Nam thời đại mới - hội nhập quốc tế, trở thành lực lượng lao động có tri thức, trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đưa quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Nhóm PV Chính trị Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202203/ky-ii-giai-bai-toan-luong-va-chat-183480