Kỹ năng số - hành trang không thể thiếu
Từ điện thoại thông minh, định danh điện tử, thanh toán không tiền mặt đến sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân Thái Nguyên dần quen với môi trường số, từng bước hình thành kỹ năng số, công dân số.

Người dân phường Bắc Kạn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
HTX Thiên An (xã Phủ Thông) được lựa chọn hỗ trợ các giải pháp về chuyển đổi số theo đề án thí điểm chuyển đổi số từ năm 2020. Việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã giúp HTX tạo bước chuyển rõ nét. Thị trường của HTX được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
“Nhờ áp dụng chuyển đổi số, sản lượng bán hàng của HTX tăng gấp 5 lần, thu nhập của thành viên tăng 3 lần”, chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An, cho biết.
Thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh đã được hỗ trợ thiết lập gian hàng trên sàn thương mại điện tử uy tín như: Shopee, Sendo, Lazada, Sanviet.vn... Chị Lê Thị Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao BK Foods, chia sẻ: Sản phẩm của chúng tôi ngày càng được quảng bá nhiều hơn trên các nền tảng số. Nhờ đó, thị trường không chỉ phạm vi trong nước mà còn tiếp cận thị trường nước ngoài nhờ công nghệ số.

Người dân Thái Nguyên từng bước làm quen và hòa mình vào môi trường số từ chiếc smartphone. Hành trình ấy đang được rút ngắn nhờ “chiến dịch xóa mù công nghệ” quy mô mang tên “Phong trào bình dân học vụ số”. Phong trào này được khởi động mạnh mẽ như một chiến dịch xóa mù công nghệ, phổ cập kỹ năng số cho người dân trên địa bàn.
Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại các xã, phường trên toàn tỉnh. Thành phần nòng cốt là đoàn viên, thanh niên, giáo viên, cán bộ cơ sở – những người trẻ am hiểu công nghệ và nhiệt huyết. Họ đến từng nhà, hướng dẫn người dân cách cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, cách tra cứu thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không tiền mặt…
Ông Nguyễn Văn Đàm, một người dân xã Đồng Hỷ, cho hay: Trước kia tôi chỉ dùng điện thoại để gọi điện. Sau khi các cháu trong tổ công nghệ số đến hướng dẫn, tôi đã biết tra cứu các dịch vụ, thanh toán trực tuyến, sử dụng VneID... Đến làm thủ tục hành chính tại xã, tôi cũng được cán bộ hướng dẫn cách nộp hồ sơ trực tuyến.

Nâng cao năng lực số nhằm hỗ trợ thanh, thiếu niên có nhận thức, thái độ đúng đắn về chuyển đổi số; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo,... trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ trong tương lai, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia cũng được xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá của tổ chức đoàn trong thời điểm hiện nay.
Chị Nguyễn Vân Anh, một đoàn viên thanh niên ở phường Bắc Kạn, nói: Chuyển đổi số không còn là trào lưu, mà là nhu cầu thiết yếu. Ai không theo kịp sẽ bị tụt hậu. Do đó, mỗi đoàn viên thanh niên phải trở thành người nhanh nhạy, nắm bắt công nghệ để phục vụ chính mình và giúp người khác.
Phổ cập kỹ năng số cho người dân chính là hành trình thay đổi nhận thức, thói quen, đặc biệt là ở người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, những nhóm yếu thế. Mỗi thao tác nhỏ trên điện thoại, từ mua hàng online đến đăng ký thủ tục hành chính là một bước tiến trên con đường trở thành công dân số.
Kỹ năng số được phổ cập không chỉ là sự thay đổi về hành vi mà còn là nền móng xây dựng một xã hội số – nơi người dân có thể tiếp cận dịch vụ công, kinh tế số, giáo dục số… mọi lúc, mọi nơi.

92 xã, phường trên toàn tỉnh đang tiếp tục lan tỏa phong trào “Bình dân học AI”. Tỉnh cũng dành quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của phong trào này. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các đơn vị đánh giá trải nghiệm người dùng, cập nhật thêm tính năng, nâng cấp nền tảng học tập trực tuyến; tích hợp đăng nhập một lần qua VNeID; mở rộng dữ liệu học liệu và bài giảng phù hợp với các đối tượng khác nhau.
Các tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người dân thao tác, kỹ năng sử dụng thiết bị số để thực hiện các giao dịch, đăng ký trực tuyến.
Thái Nguyên từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Với chủ trương đó, tỉnh đang trên đường hình thành “xã hội số” từ việc xây dựng kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp.
Mọi người dân khi trở thành công dân số sẽ chủ động tham gia vào Chính phủ số – Kinh tế số – Xã hội số, giúp hoàn thành lộ trình chuyển đổi số của địa phương.