KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY NHA TRANG - KHÁNH HÒA KHÁNG CHIẾN (23-10-1945 - 23-10-2023): Sáng mãi hào khí 101 ngày đêm Mặt trận Nha Trang

Ngày 23-10-1945, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đồng loạt tấn công địch tại nhiều vị trí trong thị xã Nha Trang, mở màn cho 101 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường nhằm vây chặt giặc Pháp tại Nha Trang, tạo thời cơ quý báu cho toàn tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và cả nước tranh thủ củng cố xây dựng thực lực về mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Những chiến công trên tuyến lửa

Đúng 3 giờ sáng 23-10-1945, lệnh tấn công của quân ta được phát ra từ một khối thuốc nổ mạnh đặt bên ngoài hầm xe lửa số 1. Lập tức một loạt các vị trí quân địch bị lực lượng của ta nổ súng tấn công mãnh liệt như: Khu nhà ga Nha Trang, nhà đèn (Sở điện lực), Sở thuộc (Viện Pasteur), khu Bình Tân… Tại khu vực nhà ga, sau vài phút nổ súng ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu được nhiều vũ khí và trang bị. Tại đây, đồng chí Võ Văn Ký, người chỉ huy lực lượng tự vệ Nha Trang đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh. Ở khu vực nhà đèn, ta phá hủy phần lớn máy móc. Khu vực kho vũ khí Bình Tân, do lực lượng không cân sức, bộ đội ta không chiếm được kho, phải rút lên Đồng Bò trước sự phản kích của địch. Suốt từ 3 giờ sáng 23-10 đến 2 ngày sau đó tiếng súng không lúc nào ngơi. Cuộc tiến công đồng loạt của quân ta vào các vị trí đóng quân của địch gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Thực hiện đúng kế hoạch của Ban Chỉ huy, sau cuộc tiến công đồng loạt tiêu hao địch, quân ta rút về tuyến sau củng cố tổ chức và khẩn trương lập phòng tuyến, tiếp tục bao vây quân địch. Phòng tuyến đầu tiên được hình thành là phòng tuyến Chợ Mới - Bờrôten. Trong vòng một tháng, các lực lượng của ta trên phòng tuyến đã chiến đấu kiên cường, đánh lui tất cả các cuộc phản kích mở vây của quân Pháp. Các lực lượng tự vệ nội thị phối hợp chiến đấu, liên tiếp tổ chức những đợt tấn công chớp nhoáng vào các vị trí trọng yếu của quân Pháp gây cho chúng một số thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Trong 2 ngày 22 và 23-11, quân Pháp tung lực lượng lớn có trọng pháo yểm trợ tấn công phòng tuyến Chợ Mới - Bờrôten. Toàn bộ lực lượng của ta lui về phía sau lập phòng tuyến mới: Phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng, cách Nha Trang 6km về phía tây tiếp tục cuộc bao vây giặc Pháp.

Một góc TP. Nha Trang hôm nay. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Với biết bao khó khăn của những ngày đầu kháng chiến, quân và dân ta đã bám trụ vững chắc suốt 101 ngày đêm trên tuyến lửa. Bao vây, giam chân quân địch trong thị xã, quân dân Nha Trang - Khánh Hòa đã giải quyết tốt nhiệm vụ vừa giữ vững giao thông thông suốt Bắc - Nam, giữ vững đường tiếp tế chi viện từ Trung ương và các tỉnh miền Bắc cho đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ đang chiến đấu; tạo được thời cơ quý báu cho toàn tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và cả nước tranh thủ củng cố xây dựng thực lực về mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Trong thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ nhân kỷ niệm quân đội ta tròn 1 tuổi (22-12-1945), Bác viết: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn”.

Sáng mãi trang sử hào hùng

Phát huy tinh thần ngày 23-10-1945, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Khánh Hòa tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân, đế quốc xâm lược và các thế lực thù địch giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau 48 năm giải phóng, đặc biệt sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, dân, quân trong tỉnh đã nêu cao bản lĩnh, khí phách anh hùng của vùng đất, con người Khánh Hòa nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Qua 2 năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra thực hiện khá tốt. Trong 26 chỉ tiêu đại hội, dự báo tới cuối nhiệm kỳ sẽ có 23/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt, gồm tất cả các chỉ tiêu về kinh tế và xây dựng Đảng; còn 3/26 chỉ tiêu cần phải nỗ lực cố gắng vượt bậc để đạt mục tiêu đề ra.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhiều cách làm sáng tạo, tỉnh đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, kinh tế phục hồi tương đối tốt; các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được phát huy mạnh mẽ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng GRDP ước đạt bình quân hàng năm là 7,62% (Nghị quyết Đại hội là 7,5%). Ước năm 2023, quy mô kinh tế đạt 59.230 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2020 (vượt 12% so với năm 2019). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp; nổi bật là đã khánh thành tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, đang thi công các tuyến đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Hệ thống đô thị ven biển được tập trung phát triển. Khu Kinh tế Vân Phong thu hút được nhiều dự án lớn, cả về đô thị du lịch biển và đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, logistics. Du lịch tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. 9 tháng năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, GRDP của tỉnh tăng 9,17%, đứng thứ 5 cả nước và thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,1% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 85.000 tỷ đồng, tăng 19,7%; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt gần 47.864 tỷ đồng, tăng 7,3%; doanh thu du lịch đạt hơn 27.500 tỷ đồng, tăng 154,8%. Toàn tỉnh đón 5,7 triệu lượt khách lưu trú; trong đó có 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 9,7 lần so với cùng kỳ.

Đối với TP. Nha Trang, nơi diễn ra cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của toàn quân, toàn dân Khánh Hòa, đã có những khởi sắc đáng kể. Thành phố đang từng bước khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng để phát triển đồng bộ các lĩnh vực, là đô thị hạt nhân, là một trong ba vùng kinh tế - xã hội trọng điểm phát triển đột phá của tỉnh, là trung tâm du lịch, dịch vụ của khu vực và cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, mặc dù thành phố gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng đã có 23/29 chỉ tiêu đạt kế hoạch theo tiến độ.

Kỷ niệm 78 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của quê hương, dân tộc. Đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử sự kiện 101 ngày đêm tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa nhằm tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương; nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

T.K
(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202310/ky-niem-78-nam-ngay-nha-trang-khanh-hoa-khang-chien-23-10-1945-23-10-2023-sang-mai-hao-khi-101-ngay-dem-mat-tran-nha-trang-4036594/