Kỷ niệm tuổi thơ

Ngày nay, ít thấy ai trồng cây bùm sụm để làm hàng rào. Còn nhớ ngày tôi còn nhỏ sống ở nhà ngoại có hàng rào bùm sụm ngăn cách với nhà ông Năm. Ngày trước, hàng rào làm cho có lệ để phân định ranh giới. Những cây bùm sụm mọc kín và dày, vẫn khó thể vượt qua được. Lá cây ấy nhỏ li ti, trái nhỏ xíu màu xanh, khi chín màu đỏ cam.

Cái hàng rào nhỏ ấy lại có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của chị em tôi. Sáng nào cũng đến bên hàng rào tìm trái chín để hái ăn. Trái bùm sụm ăn cho vui miệng, bởi vì nó quá nhỏ giống như hạt tiêu, chỉ để lại chút vị ngọt trên đầu môi, so với những trái khác không thể bằng.

Bên hàng rào bùm sụm, chị tôi cùng những người bạn trong xóm thường chơi trò chơi cất nhà chòi. Tôi cũng vô chơi với các chị, nhà chòi cất xong giả làm tiệm chạp phô bán hàng. Người mua hàng lấy lá dâm bụt làm tiền! Cái chòi nhỏ nhoi nằm dưới tàng cây mận, đầu mùa rụng đầy bông trắng ở một góc sân là hình ảnh rất khó quên.

Tôi còn nhớ lời ông ngoại tôi, cây bùm sụm ngoài việc trồng để làm hàng rào, dân chơi kiểng rất chuộng cây này vì có thể cắt tỉa uốn thành hình các con thú. Lá bùm sụm có thể làm thuốc có tác dụng giải độc, trị mụn nhọt. Có nơi, người ta còn lấy lá phơi khô nấu nước uống thay thế trà. Tuy nhiên lá bùm sụm có lẽ uống không ngon nên ít người hái lá để nấu uống. Mà hồi đó trà rẻ rề, quán xá nào cũng có bán, đâu cần làm chi cho mắc công. Ở Sóc Trăng lúc ấy có tiệm trà Kim Thành lấy nhãn hiệu con khỉ với đủ loại giá từ bình dân tới hảo hạng, mặc sức mua mà uống.

Ở quê, trồng dâm bụt làm hàng rào coi cũng hay lắm. Có nơi gọi là cây lồng đèn vì bông nó nở to giống như cái lồng đèn. Trong một lần đi đến một xã thuộc huyện Long Phú, tôi thật thích thú khi gặp cả xóm nhà nào cũng trồng cây dâm bụt làm hàng rào trông thật vui mắt. Ở đô thị ít gặp hàng rào như vậy vì sợ không an ninh, trộm cắp dễ xâm nhập. Thật tiếc những hình ảnh bình dị thật dễ thương ngày càng hiếm dần.

Hồi còn sống chung với mấy bạn dân miền Trung, có lúc mấy anh người Huế nhắc cây chè tàu làm hàng rào trong vườn được cắt tỉa rất đẹp. Sau này ra Huế chơi, tôi thấy nhiều hàng rào xanh mướt ở Kim Long, hỏi thăm người ta nói đó là chè tàu. Làng Kim Long có nhiều nhà vườn khung cảnh hữu tình, ra chơi chợt nhớ đến câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” của Hàn Mặc Tử.

Nhà có hàng rào bằng cây xanh, trước sân có vài cây cau đong đưa theo gió. Hình ảnh đó rất quen thuộc ở nông thôn nước ta ngày trước. Bây giờ nhiều nơi bị đô thị hóa, hình ảnh làng quê bình dị dần dần phai nhạt theo thời gian.

Cũng thật lạ, không ít người lớn tuổi chuyện nay thì mau quên lắm nhưng có những chuyện xưa xảy ra hồi năm sáu chục năm về trước nhớ vanh vách, kể ra không sót chi tiết nào cả. Mấy người bạn của tôi hay nhắc lại thuở nhỏ từng chứng kiến cây cầu Quay được mấy chú công nhân quay cầu cho tàu bè qua lại. Thời ấy, xe cộ ít nên tình hình giao thông không ảnh hưởng nhiều. Tuổi thơ đã mang lại cho ta nhiều kỷ niệm và người ta nhớ lâu nhất. Thoáng chốc từ một cậu bé hồn nhiên vô tư ngày nào, thời gian đã biến chúng tôi thành những ông già lẩm cẩm. Con tàu tuổi thơ thật êm đềm, cho đến bây giờ mình vẫn yêu những ngày ấy, nhớ quá thời gian đẹp nhất một đời người.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/ky-niem-tuoi-tho-56048.html