Ký sinh là thế nào?

Phải là loại ký sinh nào, thì nền giáo dục của một nước mới xào xáo mãi không yên, chẳng những sách giáo khoa thay đổi liên tục mà chất lượng giáo dục ngày một teo tóp thấy thương.

Hồi nhỏ, hai chữ ký sinh gây chú ý khi trong nhiều lần cùng ông ngoại Năm dọn rẫy, ông thường dùng cây rựa dài cán đi dò xem các cây ổi, cây me nào có bọn tầm gửi bám vào là ông giật xuống, vứt ra ngoài trống cho khô.

Ngoại Năm nói, đó là bọn ký sinh, nó sẽ ăn vào mấy cây ổi, cây me là những cây mình trồng đến lâu ngày thì cây hết sức, chết đi. Trong những lùm bụi hoang, thỉnh thoảng bắt gặp những cây cóc dại, táo nhơn bị loài tầm gửi quấn dày đặc, chết khô, như chứng thực cho lời ngoại Năm nói.

Ký sinh, hiểu theo khoa học là hiện tượng loài vật này sống dựa/bám vào loài vật kia, gọi là “cộng sinh không tương hỗ” thì hơi khó hiểu, nhưng hình dung rằng vật ký sinh sống dựa vào sinh thể vật chủ và hệ quả của việc “sống chung” này là một bên sẽ suy kiệt, teo tóp, chết dần chết mòn và có thể chết hẳn đi. Điều đáng nói là phía bị tiêu diệt ấy khởi đầu chính là sinh thể vật chủ, là nguồn sống của loài ký sinh kia.

Từ ký sinh, do lẽ đó mà mang nét nghĩa âm tính, nó biểu đạt tình trạng sống dựa và gây hại – một xu thế đi ngược với mọi chiều tiến hóa của xã hội.

Tại sao dân Thủ Thiêm ngày xưa vốn cảm tình với cách mạng, nhiều nhà hy sinh nuôi giấu cán bộ, mà giờ thành ra đối đầu với chính quyền?. Ảnh: Phú Thọ

Tại sao dân Thủ Thiêm ngày xưa vốn cảm tình với cách mạng, nhiều nhà hy sinh nuôi giấu cán bộ, mà giờ thành ra đối đầu với chính quyền?. Ảnh: Phú Thọ

Với cái nhìn xã hội học, ký sinh là hiện tượng không được hoan nghênh, và có rất nhiều loài ký sinh cần phải loại trừ. Ký sinh như vậy, thường được phát hiện thông qua tình trạng bị ăn mòn, bị suy kiệt, bị teo tóp, mất sức sống của vật chủ. Vì trong nhiều trường hợp với nhiều lý do, sự ẩn thân của loài ký sinh trong các hiện tượng xã hội không dễ phát hiện.

Phải là loại ký sinh nào, thì nền giáo dục của một nước mới xào xáo mãi không yên, chẳng những sách giáo khoa thay đổi liên tục mà chất lượng giáo dục ngày một teo tóp thấy thương.

Và loài ký sinh nào đã khiến cho đời sống đạo đức người dân bị ăn mòn vắt kiệt như đã thấy: Người dân từ chỗ trọng lễ nghĩa như đi đường gặp đám tang thì dừng lại ngả mũ, đến ngày nay với các trường hợp học trò đánh thầy, phụ huynh xúc phạm giáo viên, thầy giáo gạ tình sinh viên... thì thử hỏi truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn năm đã bị loài gì ký sinh để ra nông nỗi ấy?

Và không cần nói đâu xa, câu chuyện Thủ Thiêm còn đó, một vị cố lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố từng nói trong đau đớn, rằng: Tại sao dân Thủ Thiêm ngày xưa vốn cảm tình với cách mạng, nhiều nhà hy sinh nuôi giấu cán bộ, mà giờ thành ra đối đầu với chính quyền. Cái tinh thần vị nhân vị nghĩa của dân lành Thủ Thiêm đó, hẳn phải bị loài ký sinh độc hại nào đó tấn công, ăn mòn mới bị biến chất đổi màu thê thảm như vậy chứ.

Thế rồi rộng ra là câu chuyện biên giới, hải đảo. Nếu giả thử ngày nay vua Minh Mạng sống lại, ông cắc cớ hỏi mấy cái cọc gỗ năm 1836 ta sai ra cắm ở Hoàng Sa nay thế nào? Thì ai sẽ tâu vua tình trạng cả cọc lẫn đất cắm cọc ấy nay thuộc về ai? Rốt cuộc, cái mảnh sơn hà ông cha bao đời để lại cho con cháu, đã bị ký sinh như thế nào mà hình hài không nguyên vẹn như thế?

Rồi trong khi ngoại bang bồi lấp làm đảo nổi ngoài khơi, thì trong đất liền ngay tại hòn ngọc viễn đông một thời dường như đang ngày một chìm xuống trong các loại nước ngập từ triều cường hằng tháng cho đến mưa tự nhiên mỗi mùa. Một thành phố từng đứng hàng đầu khu vực về đời sống hiện đại nay trở thành nơi chứa đựng nhiều vấn nạn từ môi trường đến mức thu nhập, độ an toàn sức khỏe... thì hẳn cũng phải do loài ký sinh nào đã tấn công trong bấy nhiêu năm chứ?

Ký sinh và bị ký sinh là hiện tượng tự nhiên kể cả nội hàm thuộc cả những vấn đề xã hội. Cũng như cây tầm gửi tìm đường sống ở rẫy ổi quê nhà trong tuổi thơ tôi, nếu không có chiếc rựa dài cán của ông ngoại Năm quyết liệt cắt bỏ, vứt đi, hẳn những vườn cây ăn quả xanh tươi dễ thương cũng đến ngày bị tiêu diệt.

Địa Lam

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ky-sinh-la-the-nao-24962.html