Kỳ tích về cứu hộ trong trận động đất tại Thổ Nhĩ kỳ, Syria

Gần một tuần kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hoạt động cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong trận động đất đang tiếp tục đạt được những bước tiến thần kỳ. Thêm nhiều nạn nhân được cứu sống không những mang lại hy vọng mà còn tiếp thêm sức mạnh cho các đội cứu hộ trong việc tìm kiếm những người đang bị chôn vùi trong các đống đổ nát.

Lực lượng cứu hộ di chuyển một phụ nữ bị thương ra khỏi tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Lực lượng cứu hộ di chuyển một phụ nữ bị thương ra khỏi tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Tìm được người sống sót sau nhiều ngày mắc kẹt

Ngày 12-2 ghi dấu ngày thứ 6 các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn triển khai chiến dịch tại 10 tỉnh chịu ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất 160.000 người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tìm kiếm người mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm 11-2, một em bé 2 tháng tuổi ở thành phố Antakya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã được các nhân viên cứu hộ đưa ra ngoài an toàn. Theo hãng thông tấn Anadolu, em bé sơ sinh đã được giải cứu sau 128 giờ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Cùng ngày, một người phụ nữ 70 tuổi ở thành phố Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất có độ lớn 7,8, cũng được tìm thấy sống sót thần kỳ sau nhiều ngày bị chôn vùi. Trong các hoạt động cứu nạn, cứu hộ diễn ra cùng ngày, lực lượng cứu hộ cũng đưa ra khỏi đống nát một bé gái 2 tuổi, một phụ nữ mang thai tháng thứ 6, một bé gái 4 tuổi và cha của bé.

Ở Kahramanmaras, khu vực trung tâm miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, một cô gái 16 tuổi hôm 11-2 đã được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi các đống đổ nát trong tiếng reo hò và cổ vũ của nhiều người. Còn tại thị trấn Nurdag, tỉnh Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng cứu hộ cùng ngày cũng đã giải cứu một gia đình 5 người. Cả 5 thành viên gia đình vẫn sống sót bên trong ngôi nhà bị sập của mình 5 ngày sau trận động đất.

Đây chỉ là một vài trong số các trường hợp được giải cứu thành công sau nhiều giờ các nạn nhân bị chôn vùi trong các đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các chuyên gia, đây được xem là một kỳ tích trong hoạt động cứu hộ bởi 72 giờ đầu tiên được coi là rất quan trọng để cứu sống các nạn nhân bị mắc kẹt trong động đất, nhưng mốc thời gian này đã qua đi. Trong khi tỉ lệ sống trung bình trong vòng 24 giờ là 74%, sau 72 giờ còn 22% và đến ngày thứ năm chỉ còn là 6%.

Tại nhiều nơi trên khắp khu vực hứng chịu động đất của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, những người đang bị chôn vùi trong các đống đổ nát các tấm bê tông có thể sẽ còn rất nhiều và họ cũng đang chờ đợi những phép màu như vậy. Hiện, các nhân viên cứu hộ đang tích cực đào bới các đống đổ nát trong thời tiết lạnh giá, bởi thời gian không còn nhiều.

Bạo lực, cướp bóc

Các nỗ lực cứu hộ người sống sót đang bị cản trở vì tình trạng bạo lực của một số nhóm không rõ danh tính thực hiện. Theo Đài BBC, lực lượng cứu hộ Đức và Áo đã tạm dừng các hoạt động tìm kiếm trong ngày 11-2 vì lý do xảy ra giao tranh giữa các nhóm không xác định. Người phát ngôn của đội cứu hộ thuộc quân đội Áo cho biết xung đột giữa các nhóm ở tỉnh Hatay đã buộc hàng chục nhân viên của Đơn vị cứu trợ thảm họa Áo phải tìm nơi trú ẩn trong một trại căn cứ với các tổ chức quốc tế khác. "Có sự gia tăng gây hấn giữa các phe phái ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc chạy đua với thời gian để cứu sống người bị nạn giờ đây đi đôi với rủi ro an toàn". Bộ Quốc phòng Áo cho biết nước này đã nối lại hoạt động cứu hộ sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp để bảo vệ an toàn cho lực lượng cứu hộ.

Đội tìm kiếm và cứu hộ Isar và Cơ quan Cứu trợ kỹ thuật Liên bang Đức (TSW) cũng ngừng hoạt động cứu hộ vì lý do an ninh. Người phát ngôn của Isar, Stefan Heine cho biết: "Ngày càng có nhiều báo cáo về các vụ đụng độ giữa các phe phái khác nhau, các vụ nổ súng cũng đã xảy ra". Steven Bayer, Giám đốc điều hành của Isar, cho biết ông dự đoán tình hình an ninh sẽ xấu đi khi nguồn cung cấp thực phẩm và nước khan hiếm hơn. Ông cho biết thêm: "Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của tình hình an ninh rất chặt chẽ". Các đội cứu hộ của Đức cho biết họ sẽ tiếp tục công việc ngay khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận tình hình đã an toàn, Reuters đưa tin.

Ngày 11-2, truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin chính quyền nước này đã bắt giữ 48 người vì tội cướp bóc sau trận động đất mạnh xảy ra ở nước này và nước láng giềng Syria.

Số người thiệt mạng có thể lên 50.000 người

Ngày 11-2, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths cho rằng số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tuần trước có thể "tăng gấp đôi hoặc hơn" so với con số 28.000 người ở thời điểm hiện tại. Trả lời phỏng vấn của Sky News, ông cho biết hiện rất khó để ước tính chính xác số người thiệt mạng vì có thể nhiều người vẫn đang mắc kẹt trong các đống đổ nát, nhưng ông cho rằng con số này có thể tăng gấp đôi hoặc hơn.

Theo các quan chức và nhân viên y tế, trận động đất đã làm 24.617 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.574 người thiệt mạng ở Syria. Tổng số người thiệt mạng đã được xác nhận đến ngày 12-2 là 28.191 người.

Ngày 11-2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần 26 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp 42,8 triệu USD cho công tác chăm sóc y tế. Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm lây lan sau động đất, đặc biệt là các bệnh phát sinh do thực phẩm và nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. LHQ cho biết có tới 5,3 triệu người tại Syria mất nhà cửa sau trận động đất, trong khi có gần 900.000 người tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần thực phẩm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gửi 35 tấn hàng cứu trợ tới thành phố Aleppo, phía Bắc của Syia trong khi Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng tới thành phố này, thăm các nạn nhân nhập viện, các khu tạm trú và các địa điểm bị tàn phá sau động đất. Trên mạng xã hội Twitter, ông Ghebreyesus cho biết ông "rất đau lòng khi chứng kiến hoàn cảnh mà những người sống sót đang phải đối mặt... thời tiết lạnh giá và khả năng tiếp cận nơi ở, thực phẩm, nước, thiết bị sưởi ấm và chăm sóc y tế cực kỳ hạn chế".

Ngày 12-2, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, trong quá trình tìm kiếm hơn 10 người mất tích ở thành phố Adiyaman, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ Việt Nam và Pakistan đã đưa được một thiếu niên khoảng 14 tuổi ra khỏi đống đổ nát.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ky-tich-ve-cuu-ho-trong-tran-dong-dat-tai-tho-nhi-ky-syria-post273192.html