Ký ức của người cựu chiến binh

Những ngày này, cựu chiến binh từng hoạt động trên mặt trận tỉnh Quảng Đức cũ lại dâng trào những cảm xúc khó quên về tháng Tư lịch sử cách đây tròn 45 năm.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa 45, song những ký ức một thời binh lửa vẫn không thể nào phai mờ trong tâm trí của ông Đỗ Thanh Bình (90 tuổi), ở thị trận Ea T’ling (Chư Jút).

Những năm 1960 – 1970, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận tỉnh Quảng Đức, với chức vụ là Đại đội trưởng Đại đội đặc công, rồi Tham mưu phó Tỉnh đội Quảng Đức. Mặc dù tuổi cao, nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn, những câu chuyện ông kể luôn cuốn hút người nghe.

 Cựu chiến binh Đỗ Thanh Bình luôn nhớ về những ngày hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Cựu chiến binh Đỗ Thanh Bình luôn nhớ về những ngày hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Nhắc lại ngày chiến thắng 30/4, ông Bình bồi hồi nhớ lại, trong thời khắc ấy, ông đã khóc bởi vui mừng khôn xiết. Vì từ nay, đồng bào thân yêu trên vùng đất Tây Nguyên đã được tự do, thoát khỏi ách kiềm kẹp của chế độ cũ. Với ông, trong quảng đời 30 năm đi bộ đội, trong đó, 10 năm làm lính đặc công hoạt động tại tỉnh Quảng Đức đã để lại cho ông bao nhiêu kỷ niệm.

Điều đáng nhớ nhất là trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ, khốc liệt tại mặt trận Quảng Đức, ông đã được Nhân dân thương yêu, đùm bọc, coi ông như đứa con trong gia đình. Đây chính là nguồn động viên giúp ông vượt qua khó khăn, gian khổ để chỉ huy đơn vị lập nên những trận thắng làm lung lay ý chí của kẻ thù.

Ngày chiến thắng 30/4, ông hồi tưởng lại những trận phục kích, chống càn, đánh chiếm trụ sở hành chính, sân bay, phá ấp chiến lược của Đại đội đặc công, góp phần làm tan rã bộ máy hành chính của ngụy quyền. Để lại dấu ấn sâu đậm nhất ở ông là các trận thắng của quân và dân Đắk Nông, tiến tới giải phóng tỉnh Quảng Đức cũ.

Còn đối với ông Y Miên, ở bon Bu Ja Ráh, xã Nam Nung (Krông Nô), ngày 30/4, ông coi đó như là dấu mốc của sự chấm dứt khổ đau, mở ra một chân trời tươi sáng, hạnh phúc với ông và bon làng. Nam Nung thời chống Mỹ là khu căn cứ cách mạng kiên cường. Bản thân ông Y Miên là người địa phương, nên xung phong nhận lấy công việc giao liên, dân công tải đạn từ khi còn rất trẻ.

Ông Y Miên kể: “Trong những năm tham gia cách mạng, tôi thường xuyên đi công tác dọc tuyến hàng lang chiến lược Đắk Mil, Đắk Song, Nam Nung nên đã chứng kiến nhiều mất mát, hy sinh của Nhân dân, của đồng đội. Dù cuộc sống gian khổ, nhưng mọi người vẫn cùng chung một lòng theo cách mạng”.

 Sự kiện 30/4 lịch sử đối với ông Y Miên là sự đổi thay cuộc đời của người dân Khu căn cứ cách mạng Nam Nung

Sự kiện 30/4 lịch sử đối với ông Y Miên là sự đổi thay cuộc đời của người dân Khu căn cứ cách mạng Nam Nung

Mặc dù gian lao, nhưng theo ông Y Miên, người dân xã Nâm Nung đã không ngại hy sinh, gian khổ cùng cán bộ xây dựng cơ sở cách mạng, tạo nên một hậu phương vững chắc. Cũng theo ông Y Miên, bà con đồng bào M’nông nơi đây trong những năm chiến tranh thường lấy rừng làm nhà, ăn uống rất cực khổ cho nên đến năm 1975 khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất bà con rất sung sướng. Bà con bắt đầu nghe theo cách mạng tổ chức sống định canh định cư. Ông Y Miên lúc ấy đã là một cán bộ nhiều kinh nghiệm, ông được Đảng phân công tiếp tục bám trụ lại vùng căn cứ để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp bà con phát nương, làm rẫy, ổn định cuộc sống.

Cũng như ông Đỗ Thanh Bình, ông Y Miên, những cựu chiến binh chúng tôi có dịp gặp đều có chung một cảm xúc về thời khắc lịch sử của ngày 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Giờ đây, đa số họ đã về hưu, tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều cụ vẫn làm các công việc vườn tược, chăn nuôi cùng con cháu. Có cụ còn tích cực tham gia các buổi nói chuyện truyền thống cho các cháu thanh thiếu niên do đoàn thanh niên, trường học tổ chức. Qua đó, giúp cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/ky-uc-cua-nguoi-cuu-chien-binh-79624.html