Ký ức không thể quên của NSND Lan Hương, Trương Ngọc Ánh

NSND Lan Hương, các diễn viên Hoàng Hải, Trương Ngọc Ánh chia sẻ những câu chuyện khó quên khi làm phim chiến tranh trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng 2025.

TS. Ngô Phương Lan cùng diễn viên Trương Ngọc Ánh (Áo lụa Hà Đông) và Thúy Hằng (Truyền thuyết về Quán Tiên) tại hội thảo.

TS. Ngô Phương Lan cùng diễn viên Trương Ngọc Ánh (Áo lụa Hà Đông) và Thúy Hằng (Truyền thuyết về Quán Tiên) tại hội thảo.

Ngày 2/7, hội thảo "Dấu ấn phim chiến tranh Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)" diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ III 2025 (DANAFF III). Đây là một trong những nội dung trọng tâm của sự kiện, mang tới cho công chúng bức tranh toàn cảnh về phim chiến tranh Việt Nam suốt nửa thế kỷ với những tác phẩm tiêu biểu.

Sự kiện thu hút những đạo diễn, nhà biên kịch và diễn viên nổi tiếng đã gắn liền tên tuổi với những bộ phim chiến tranh như: Bùi Thạc Chuyên, NSƯT Phi Tiến Sơn, Bùi Tuấn Dũng, NSƯT Tất Bình, Đặng Thái Huyền, Lê Hoàng, Đinh Tuấn Vũ, Trịnh Thanh Nhã, Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, Hoàng Hải, NSND Lan Hương, Thúy Hằng, Đinh Tuấn Vũ, Mai Thu Huyền....

22 bộ phim cho thấy toàn cảnh nửa thế kỷ phim chiến tranh Việt Nam

Tại hội thảo, TS. Ngô Phương Lan - Giám đốc DANAFF III nói: "Đây là lần đầu tiên phim chiến tranh Việt Nam được tập hợp một cách xâu chuỗi và khá toàn diện và có những dấu ấn và những điều đáng quý để chúng ta nhìn lại và tự tin bước vào chặng đường sáng tạo mới. Khá khó khăn đối với BTC LHP khi lựa chọn 22 bộ phim chiến tranh chiếu trong chương trình trọng điểm của DANAFF III. Vì nửa thế kỷ qua, chúng ta có khoảng gần 100 bộ phim về đề tài chiến tranh.

Chúng tôi muốn chọn nhiều hơn nữa nhưng trong khuôn khổ LHP còn nhiều khu vực khác chúng ta cần phải giới thiệu. Tôi tin rằng sau khi xem 22 bộ phim trong chương trình chiếu hôm nay cũng như tham dự buổi hội thảo này, các bạn sẽ có một góc nhìn khác, sâu sắc và toàn diện hơn về phim chiến tranh Việt Nam".

Đạo diễn Đặng Thái Huyền và Bùi Tuấn Dũng.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền và Bùi Tuấn Dũng.

Tại phần tham luận, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - người đứng sau những bộ phim Những người viết huyền thoại, Thầu Chín ở Xiêm chia sẻ về "Giá trị thực sự ở một bộ phim chiến tranh''. Theo anh, một bộ phim chiến tranh tốt cần tái hiện trung thực bối cảnh, sự kiện và nhân vật. Phản ánh sự thật lịch sử, không bóp méo hay tô hồng quá mức. Phải cho người xem thấy được tính hai mặt của một cuộc chiến, cả vinh quang và bi kịch của chiến tranh.

Phim chiến tranh càng có chiều sâu khi đi vào tâm lý, bi kịch và cảm xúc của từng con người trong một guồng quay khốc liệt trong đó người lính không chỉ là công cụ chiến đấu mà còn là người cha, người anh... Và câu chuyện của họ là câu chuyện về ý nghĩa của sự sống, của tình yêu gia đình, tình đồng đội, tình yêu tổ quốc và cả tình người, cả tính nhân đạo của các nhân vật giữa hai bờ chiến tuyến trong địa ngục chiến tranh…".

Trong khi đó, đạo diễn Đặng Thái Huyền (Người trở về, Mưa đỏ) có góc nhìn về dòng phim chiến tranh cách mạng ở Việt Nam sau 1975. "Chiến tranh không còn chỉ hiện lên với súng đạn mà trở thành bi kịch với nhiều gia đình, nhiều thân phận khi họ phải chịu những tổn thương dai dẳng của giai đoạn hậu chiến. Một số phim tiêu biểu: Tướng về hưu, Đừng đốt, Người trở về…", chị nói.

Từ 3 bộ phim Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông Địa đạo, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phân tích đề tài chiến tranh qua góc nhìn của các nhà làm phim tư nhân. "Nếu phim Dòng máu anh hùngÁo lụa Hà Đông có nguồn vốn chính được huy động từ đại gia đình của các đạo diễn cộng với sự góp vốn của nhiều cá nhân khác thì Địa đạo lại hoàn toàn mời gọi vốn từ các nhà đầu tư không phải là thân tộc.

Như vậy, cái ý nghĩ nhen nhóm việc gọi vốn cho các dự án này nhờ vào năng lực thuyết phục khéo léo của người chủ dự án cần phải được loại bỏ. Sức thuyết phục từ kịch bản và hơn thế, chính là tinh thần dân tộc đã khiến các nhà đầu tư dũng cảm bước vào cuộc chơi tốn kém này", bà nói.

NSND Lan Hương nổi tiếng với "Em bé Hà Nội".

NSND Lan Hương nổi tiếng với "Em bé Hà Nội".

Phần tọa đàm khách mời sôi động với sự góp mặt của các diễn viên và đạo diễn nổi tiếng như: NSND Lan Hương, Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, NSƯT Hoàng Hải, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, NSƯT Phi Tiến Sơn, NSƯT Lưu Trọng Ninh và Đinh Tuấn Vũ...

Việc đầu tiên khi nói về phim chiến tranh là sự khổ cực khủng khiếp

Với câu hỏi: "Khi tham gia vào một bộ phim về đề tài chiến tranh, trải nghiệm ấn tượng nhất đối với các anh/chị là gì?", NSND Lan Hương nhớ lại: "Lan Hương chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm với các bộ phim chiến tranh được sản xuất sau năm 1975. Tuy nhiên, thấy may mắn vì từng tham gia một bộ phim năm 1974 và một bộ phim năm 1977 – tức là ngay sau khi đất nước thống nhất, khi điện ảnh bắt đầu bước sang một giai đoạn mới.

Khi tham gia buổi tọa đàm về phim chiến tranh sau năm 1975, Lan Hương có cơ hội nhìn lại và so sánh hai bộ phim chỉ cách nhau vài năm nhưng cảm nhận rõ sự thay đổi trong không khí, tinh thần của con người Việt Nam lúc đó.

Phim sau 1975 bắt đầu mang hơi hướng của sự hồ hởi, mang tính chất chiến sự, sự sống và khát vọng. Trong khi đó, những phim trước năm 1974 lại mang một cảm giác thật đến mức khi thế giới xem, họ tưởng đó là phim tài liệu.

Phim Mối tình đầu (1977) là phim đầu tiên sau giải phóng. Lan Hương đóng vai em gái Ba Duy. Đây là bộ phim có con mắt nghệ thuật hơn, bình tĩnh làm nghệ thuật làm phim hơn. Khi này các đạo diễn nhìn về chiến tranh bằng con mắt nhân ái và công bằng hơn. Đấy là trải nghiệm của Lan Hương khi mà đóng phim chiến tranh trong thời gian qua".

Trương Ngọc Ánh chia sẻ: "Trong Áo lụa Hà Đông, Ngọc Ánh vào vai cô Dần - một người mẹ miền Trung nghèo, sống giữa khói lửa chiến tranh, chỉ mong giữ được chiếc áo dài - kỷ vật cưới, cũng là biểu tượng phẩm giá cuối cùng của gia đình. Hình ảnh chiếc áo dài không chỉ là một kỷ vật mà còn là đại diện cho sự kiêu hãnh, bền bỉ và vẻ đẹp mộc mạc nhưng kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Ngọc Ánh tin vào sức mạnh của điện ảnh, giúp lưu giữ hình ảnh của những người phụ nữ sau cuộc chiến để họ không bị lãng quên. Chúng ta luôn nhớ đến những câu chuyện lắng đọng qua những thước phim điện ảnh chiến tranh.

Là một diễn viên và nhà sản xuất phim, Ngọc Ánh mong muốn chúng ta sẽ đóng góp thêm nhiều bộ phim chiến tranh. Những bộ phim gần đây như Địa đạo gây tiếng vang về nghệ thuật lẫn lòng tin của công chúng".

Trương Ngọc Ánh và Hoàng Hải.

Trương Ngọc Ánh và Hoàng Hải.

Trong khi đó, diễn viên Hoàng Hải nói: "Việc đầu tiên khi nói về phim chiến tranh là sự khổ cực khủng khiếp. Diễn viên nhận lời tham gia phim chiến tranh phải thực sự yêu nghề. Bởi không chỉ mệt mà còn nguy hiểm cháy nổ, bắn súng....

Làm phim chiến tranh vất vả và tốn tiền. Nhưng từ trước đến giờ, nhiều phim chỉ được chiếu vài buổi rồi… cất vào kho. Rất tiếc! Tiếc cho cả công sức và cảm xúc của diễn viên. Ngồi đây hôm nay cùng anh Sơn, anh Chuyên - phim Đào, Phở và Piano hay Địa đạo, thấy bộ phim đến được với khán giả, khán giả ùn ùn mua vé đi xem, tôi xúc động lắm".

Làm phim lịch sử hay phim chiến tranh thì phải liều

Tuy khổ cực nhưng với đạo diễn của Đào, Phở và Piano Phi Tiến Sơn, trải nghiệm sự thật là điều quý báu. Song, để làm phim lịch sử hay phim chiến tranh thì phải liều.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn.

"Vậy câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ bảo vệ chúng tôi – những người làm phim – khi chúng tôi lựa chọn đối mặt với lịch sử? Có các nhà quản lý, các nhà sử học nhưng ai sẽ thực sự đứng bên chúng tôi khi cần? Lịch sử có rất nhiều khoảng trống, rất nhiều câu hỏi. Và chính đạo diễn, biên kịch – những nhà làm phim – là những người dám đứng trước các câu hỏi ấy. Không phải theo cách làm cũ, thắng là chính nghĩa – thua là phản diện mà là đi sâu vào bản chất, sự đau đớn, những góc nhìn khác nhau trong một cuộc chiến.

Nhưng khi làm điều đó, nỗi lo lớn nhất lại là dư luận xã hội. Bất kỳ điều gì hơi mới, khai thác theo một chiều kích lịch sử không quen thuộc là lại bị dán mác 'lật sử'. Mà nếu chỉ ở trong vùng an toàn, chỉ mãi là ta thắng - địch thua, rồi dừng lại ở đó. Muốn phát triển chúng ta phải đối thoại với lịch sử. Nhưng xin đừng bỏ bom những người đang cố gắng làm điều đó", ông nói.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên của Địa đạo cho rằng "phim chiến tranh là một mỏ vàng về con người, về kịch tính, về câu chuyện và cả về việc đẩy giới hạn của con người đến tận cùng. Chỉ cần chạm đến một câu chuyện chiến tranh là đã động đến một mỏ vàng quý giá. Nhưng đó cũng là một mỏ sâu khó khai thác, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau, đặc biệt là một nền công nghiệp điện ảnh đủ mạnh".

Ảnh: BTC

Mỹ Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ky-uc-khong-the-quen-khi-lam-phim-chien-tranh-cua-nsnd-lan-huong-truong-ngoc-anh-2417636.html