Lá cờ Trung Quân

Một lá cờ Trung Quân không thể thay thế hay nhân danh bất cứ điều gì, nhưng trong guồng quay 4.0, người trẻ còn biết vì nhau, cúi đầu trước người nằm xuống, xoa dịu lòng người ở lại thì hẳn là một ý niệm tốt lành từ mạng xã hội bước ra cuộc đời.

Một số tài khoản của bạn trẻ sở hữu lượt theo dõi cao từ các nền tảng như Facebook, TikTok, YouTube… nhanh chóng “nắm thời cơ” sau vụ việc trụ sở UBND 2 xã ở tỉnh Đắk Lắk bị tấn công.

Với từ khóa “Đắk Lắk” trên mạng xã hội TikTok video được xếp phía dưới, ít người quan tâm thì cũng có hơn 6.500 lượt xem, video đứng đầu hơn 140.600 lượt xem trong vòng chưa đầy 20 giờ đăng tải. Khi cơ quan chức năng vẫn đang làm nhiệm vụ, không ít tài khoản mạng xã hội làm thay nhiệm vụ cơ quan chức năng, liên tục đưa thông tin, hình ảnh không rõ ràng, thiếu kiểm chứng.

Điều này gây cản trở cho lực lượng đang thi hành nhiệm vụ, vì không chỉ có phần việc thực tế mà còn phải đảm bảo đẩy lùi thông tin sai sự thật trên các nền tảng trực tuyến.

Trong khi đó, khác với câu chuyện bất chấp để có lượt like (thích), theo dõi từ một bộ phận người dùng mạng xã hội, họa sĩ Ấm Chè (tên thật Phan Thanh Nam) sở hữu fanpage hơn 313.000 lượt theo dõi, chia sẻ hình ảnh cùng dòng trạng thái: “Vẽ lại bức Trung Quân Phủ. Chữ “trung” thêm một chữ “tâm”, tưởng niệm các con em Thanh Nghệ đã ngã xuống trong thời bình. Tranh này Ấm Chè không ký tên và các bạn đọc tùy nghi sử dụng. Bởi vì tôi nghĩ mình không làm được gì nhiều để có thể so sánh được sự hy sinh của các anh và những mất mát mà thân quyến các anh đã nhận”.

Bức ảnh nhận được hơn 2.000 lượt thích và 1.000 lượt bình luận nhưng cũng không ít ý kiến chỉ trích về việc sử dụng tiếng Hán trên lá cờ. Họa sĩ Ấm Chè bày tỏ: “Trong hạn chế của người sáng tác, ngoài nội dung cần truyền tải thì vấn đề mỹ thuật và không khí được đặt cao hơn (nó là tính chủ quan của người vẽ và cả người xem - không thể cân bằng hết). Việc chú thích thêm thì nội dung bài viết đã nói hết - và việc này dễ dàng nếu các trang khác/những người cần sử dụng muốn thêm vào. Nguyên bản tác phẩm không sửa sang là phần cốt yếu tinh thần mà người sáng tác muốn thể hiện thì nên giữ nguyên. Tôi muốn dành một bài viết và hình ảnh để tưởng niệm người nằm xuống, trong không gian tưởng niệm, các bạn không ưng có thể không cần nói, mọi trình bày quan điểm nên ôn hòa, không văng tục”.

Có những điều, người ta dành cho nhau có thể chưa trọn vẹn, nhưng hơn hết chính là thái độ của chúng ta với những sự việc đang là tâm điểm trong dư luận. Một lá cờ Trung Quân không thể thay thế hay nhân danh bất cứ điều gì, nhưng trong guồng quay 4.0, người trẻ còn biết vì nhau, cúi đầu trước người nằm xuống, xoa dịu lòng người ở lại thì hẳn là một ý niệm tốt lành từ mạng xã hội bước ra cuộc đời.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/la-co-trung-quan-post693594.html