'Lạc quẻ' giữa lúc cộng đồng chung tay dập dịch

Trong lúc toàn hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội phải gồng mình với cuộc chiến chống dịch COVID-19, thì đâu đó vẫn có những nhân vật muốn “khác người” làm cho mình nổi bật, khi đi ngược lại với sự nỗ lực của cả cộng đồng. Một từ mà giới trẻ hay dùng, theo xu hướng đó là “lạc quẻ”.

Không “lạc quẻ” sao được khi cả cộng đồng mong muốn chính quyền áp dụng các biện pháp hành chính mạnh mẽ hơn để phòng, chống dịch COVID-19 thì có không ít trường hợp “nhởn nhơ”, khiến công sức, thành quả chống dịch đổ sông đổ bể. Yêu cầu cơ bản nhất đối với mỗi người dân lúc này là phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế. Trong số 5K này có điều nào là không thể không thực hiện hay quá sức đối với một người có đầy đủ nhận thức và trách nhiệm công dân?

Có “lạc quẻ” không khi đã hơn hai năm qua, ngày nào trên báo đài, trên loa truyền thanh công cộng, trên khắp các nẻo đường đều có thông tin về các quy định cơ bản trong phòng, chống dịch. Vậy nhưng, vẫn có không ít người vi phạm. Khi bị nhắc nhở, xử phạt thì họ tìm mọi lý do để biện bạch thoái thác.

Có “lạc quẻ” không khi chính quyền phát lệnh giãn cách xã hội, quyết định phong tỏa, cách ly y tế để chống dịch thì trong khu phong tỏa nhà nọ nhà kia vẫn thăm hỏi, giao lưu, uống trà, cùng xem bóng đá; và hệ quả tất yếu là bị lây nhiễm bệnh.

Không chỉ “lạc quẻ”, trở thành những người không giống ai giữa nỗ lực chung của cả cộng đồng đang dốc hết sức cho các mặt trận chống dịch, nhiều trường hợp còn vượt lên trên cả pháp luật. Khi lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát, tuần tra phòng chống dịch tuyên truyền, yêu cầu thực hiện các quy định, họ không những không hối lỗi, mà còn giở thói côn đồ, dùng lời lẽ thô tục, chửi bới, dùng bạo lực chống người thi hành công vụ.

Điển hình như Nguyễn Tấn Thạch (SN 1992, thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) tụ tập ăn nhậu, không mang khẩu trang, vượt chốt phong tỏa, mang theo hung khí, dùng vũ lực với tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 địa phương.

Hay như tự cho là võ sư, nhưng Trần Văn Giảo (SN 1979, trú khu phố Phước Mỹ Tây, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) lại gây rối trật tự, đánh người khi địa phương đang giãn cách xã hội để chống dịch.

Còn Phạm Văn Hiếu (SN 1987, trú thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa) thì ra đường không có lý do chính đáng, còn ngang nhiên chửi bới, cản trở, chống lại lực lượng đang làm nhiệm vụ…

Trong khi toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để chống dịch thì nhiều người vẫn thản nhiên ra đường mà không có lý do chính đáng, thậm chí là để thư giãn, tập thể dục, mua sắm theo nhu cầu; có người còn tụ tập ăn uống…

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nêu rất rõ ràng, cụ thể nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn buôn cách ly với thôn buôn, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.

Như thế nào là “thực sự cần thiết”? Chỉ thị 16 cũng chỉ ra 3 trường hợp được coi là “thực sự cần thiết”, đó là: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn… và thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Hàng ngày, Phú Yên vẫn ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới, trong đó có những ca phát hiện khi sàng lọc trong cộng đồng, chứng tỏ F0 vẫn “lang thang”, giấu mặt đâu đó mà các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa truy vết vẫn chưa tìm ra. Điều đó đồng nghĩa với cuộc chiến chống COVID-19 phía trước vẫn còn rất khó khăn.

Dù cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội nỗ lực cố gắng đến mấy, mà một bộ phận người dân vẫn còn “lạc quẻ” trong phòng chống dịch bệnh thì cuộc chiến này sẽ còn nhiều chông gai. Vì vậy, xử phạt nghiêm minh các trường hợp “lạc quẻ”, vi phạm các quy định về phòng chống dịch là ý nguyện chung của xã hội, qua đó giáo dục, răn đe các hành vi sai trái, như một biện pháp tuyên truyền để tất cả mọi người hiểu và thực hành các biện pháp phòng chống, nhằm sớm dập được dịch, trả lại cuộc sống bình yên.

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/261825/-lac-que--giua-luc-cong-dong-chung-tay-dap-dich.html