Lai Châu: Điều tra dư luận xã hội về thực hiện Nghị quyết số 33

Để có cơ sở đánh giá khách quan, trung thực kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau 7 năm Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước', Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu đã tiến hành điều tra xã hội học 1.500 phiếu tại 56 xã, phường, thị trấn, 27 cơ quan, đơn vị trên địa bàn 8 huyện, thành phố.

Nội dung cuộc điều tra tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ về công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết; vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người; phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách con người Lai Châu hiện nay; việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, cơ quan, đơn vị; những chuyển biến trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người; khó khăn, hạn chế và những giải pháp trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu thời gian tới.

Thông qua cuộc điều tra xã hội học đã thu được kết quả khả quan, trung thực, chính xác.

Đối với vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người, có 90,27% ý kiến nhận thức đúng việc xây dựng và phát triển văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trên 90% ý kiến đánh giá vai trò của các tổ chức trong việc giáo dục nhân cách, lối sống con người tích cực và khá tích cực.

Về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách con người Lai Châu hiện nay, có 92,07% ý kiến được hỏi cho rằng con người Lai Châu hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp, nổi bật là có tinh thần yêu nước (86,6%), tính trung thực (81,07%), cần cù, sáng tạo (79%); 62,27% ý kiến cho rằng con người Lai Châu vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý chí vươn lên, 54,3% ý kiến cho rằng sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc còn hạn chế, 41% ý kiến đánh giá con người Lai Châu ý thức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân còn hạn chế; 37,53% ý kiến đánh giá ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; 25,67% ý kiến đánh giá đạo đức, lối sống và nhân cách có biểu hiện xuống cấp.

Về xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, cơ quan, đơn vị, có 95% ý kiến cho rằng việc đánh giá, công nhận danh hiệu đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, thôn, bản, tổ dân phố, gia đình văn hóa đảm bảo chính xác và khá đảm bảo; 3,53% ý kiến cho rằng việc đánh giá, công nhận còn chưa đảm bảo, 1,47% ý kiến khó trả lời; 93,87% ý kiến cho rằng việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại các địa phương thực hiện tốt và khá tốt. 96,87% ý kiến đánh giá việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt chất lượng, hiệu quả tốt và khá hiệu quả.

Về kết quả nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở địa phương, có 13/14 ý kiến đánh giá là tốt hơn và khá hơn, chiếm trên 90% ý kiến, trong đó về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa tại địa phương, đơn vị (97,87%); đời sống văn hóa của nhân dân, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành (97,13%); các hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng bằng hình thức xã hội hóa (96,4%); phát huy truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng và phong trào hoạt động văn hóa (95,8%); sản phẩm công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng (94,33%); việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (93,07%); công tác quản lý nhà nước về văn hóa (93%); hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số (92,2%)...

Kết quả cuộc điều tra đã chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong việc xây dựng và phát triển văn hóa con người Lai Châu trong thời gian qua, chủ yếu là do việc hỗ trợ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ ở thôn bản còn ít (70,27%); hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp (63,53%); việc huy động các nguồn lực cho hoạt động văn hóa còn hạn chế (63%); đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều xã, bản trong tỉnh còn đơn điệu (59,87%); công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc chưa có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội (58,13%); một bộ phận lớp trẻ tiếp thu thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận Nhân dân các dân tộc (55,53%)…

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới, đa số các ý kiến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc (89,4%); quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, hỗ trợ hoạt động của đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố (87,73%); quan tâm việc truyền dạy các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống trong cộng đồng dân cư và các nhà trường (86,67%); quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ nhân, nghệ sỹ (85,27%); tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ (84,93%).

Ngoài ra có một số ý kiến đề xuất thêm giải pháp như phát huy sự sáng tạo, tôn vinh, có cơ chế chính sách cho lớp trẻ, lớp kế cận, tìm ra hướng đi mới; kịp với xu hướng thời đại, sử dụng mạng xã hội hiệu quả; tăng thêm nguồn kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn, bản đảm bảo việc sinh hoạt cộng đồng.

Cuộc điều tra xã hội học về kết quả sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 33 được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là các đối tượng được điều tra. Địa bàn điều tra được phân bổ hợp lý, thông tin phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan.

Hệ thống câu hỏi được xây dựng khoa học, nội dung câu hỏi bám sát tình hình thực tiễn, quá trình tổng hợp được tiến hành chặt chẽ và khoa học.

Kết quả điều tra xã hội học cho thấy nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa được nâng lên; vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết được đánh giá khá cao việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại các địa phương thực hiện tốt và khá tốt; việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng phẩm chất tốt đẹp của con người Lai Châu có những chuyển biến tích cực...

Những kết quả đạt được trên đã góp phần quan trọng về xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân Lai Châu, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm vụ chính trị từng đơn vị, địa phương.

Đỗ Nhung - Hoàng Hợi
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/lai-chau-dieu-tra-du-luan-xa-hoi-ve-thuc-hien-nghi-quyet-so-33-134560