Lại chuyện thật trong giáo dục

Chủ nhật vừa rồi, tôi ghé tiệm sách để tìm cuốn tài liệu, gặp anh bạn thầy giáo cũng đi mua sách. Anh bảo đã lâu chưa có dịp trò chuyện với nhau, nên rủ tôi ghé vào một quán cà phê rất ít khách, nói đang thời Covid, tìm chỗ giãn cách ngồi cho an toàn.

Lại chuyện thật trong giáo dục

Đề xướng

Anh nói vừa qua dư luận rất chú ý về chuyện ông bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn triển khai định hướng trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) yêu cầu giáo dục cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Đưa ra định hướng như vậy cho thấy những người ở vị trí có trách nhiệm với đất nước từ trước đã thấy việc “học thật, thi thật, nhân tài thật” có vấn đề, nghĩa là hiện tượng ấy chưa thật, còn dối, biết thế mà sao cứ để kéo dài. Anh gõ vào mạng trên điện thoại rồi đọc cho tôi nghe, khi triển khai về nội dung này, ông bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: “Thực tế còn nhiều người nhiều nơi, học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng. Có người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được, danh vị là hư danh... Do đó, để học thật trước hết là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn”(1). Anh quay sang tôi, vấn đề này đâu có mới anh nhỉ, lập luận cũng còn chung chung, điều quan trọng mà mọi người chờ đợi là đưa ra biện pháp thiết thực như thế nào để chấm dứt tình trạng học dối, thi dối thì chưa thấy, em nhớ trước kia anh có viết bài nói về “nền học vấn thực học” thì phải?

Chủ thuyết với thực tiễn

Tôi nhớ lại cũng lâu rồi, có chia sẻ chủ thuyết về giáo dục của Fukuzawa Yukichi(2) nhà cải cách giáo dục Nhật Bản, giới thiệu trên một bài báo. Thấy cách đây đã hơn 100 năm, ở Nhật Bản, khi triều đại phong kiến Mạc Phủ (1868) chuyển sang thời Thiên hoàng Minh Trị (1868 – 1912), nhờ thực hiện theo chủ thuyết của Fukuzawa Yukichi nâng cao dân trí, đặt vấn đề “học vấn thực học” lên hàng đầu, họ đã tạo được bước chuyển mình trong cuộc canh tân đất nước. Quan niệm của Fukuzawa Yukichi thời đó đã kịch liệt lên án cách học chỉ bám vào vốn kiến thức sách vở xa rời thực tế, thấy rằng người học với mục đích chỉ để có được mảnh bằng vào đời xin việc kiếm sống qua ngày thường rơi vào tâm thế lệ thuộc, nhờ cậy, xu nịnh, thiếu tự chủ - một khi đã lệ thuộc, nhờ cậy, thì tầm nhìn sẽ hạn hẹp, chỉ biết lợi ích ích kỷ trước mắt cho bản thân, không dám trung thực nói lên sự thật, dẫu sự thật đó có nhiều tác hại cho đất nước. Nói đến tinh thần “thực học” không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức để thi cử lấy bằng cấp, mà xây dựng được nền “học vấn thực học” là đào tạo được những lớp người biết dựa trên tinh thần khoa học vận dụng sáng tạo những kiến thức tiếp nhận đáp ứng thực dụng cho cuộc sống hàng ngày. Những người chỉ học để có được học vị mà không biến cái vốn kiến thức đó tác động đến lợi ích cho cuộc đời thì người Nhật thường gọi kiểu học như thế là “cái tủ kiến thức”, ở Việt Nam gọi đó là những “con mọt sách”, còn người Do Thái ví von nặng nề hơn xem đó là những “con lừa chở sách”. Người thực học sử dụng kiến thức để phục vụ lợi ích cho cuộc sống là những người luôn trong tâm thế tự chủ, ý thức độc lập, tự do, biết dự phóng tầm nhìn về tương lai lâu dài cho bản thân và xã hội – đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Chủ thuyết xây dựng “nền học vấn thực học” của Fukuzawa Yukichi triển khai thực hiện ở Nhật Bản họ đã thành công, tạo ra một bước chuyển mình ngoạn mục, tiếp sức công cuộc hiện đại hóa làm cho đất nước hoa anh đào vươn mình thành một cường quốc. Tinh thần “học vấn thực học” của họ luôn được củng cố và phát triển cho đến ngày nay. Cách duy tân đất nước bằng con đường “học vấn thực học” của Fukuzawa Yukichi lại bắt gặp ở tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh ở đầu thế kỷ XX, năm 1905, cụ khởi xướng cuộc vận động duy tân với 3 mục tiêu: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Cụ đưa khai dân trí lên hàng đầu. “Khai dân trí” là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa…

Thách thức đang chờ

Nghe tôi trao đổi như vậy, anh cũng tham gia ý kiến, rằng cụ Phan đã nhìn ra rất sớm, nhưng công cuộc duy tân của cụ không được thành công bởi lúc ấy tình thế chính quyền thực dân nửa phong kiến không ủng hộ mà còn ngăn cấm, còn khởi xướng của Fukuzawa Yukichi thành công là nhờ Nhật hoàng triệt để ủng hộ. Nói xong anh cười, bây giờ thì Thủ tướng Chính phủ ủng hộ, mọi người đang chờ xem Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tạo ra sự chuyển biến như thế nào về “học thật, thi thật, nhân tài thật” trong thời gian tới.

Võ Nguyên

Nguồn: (1). https://laodong.vn › Giáo dục; (2). Khuyến học (hay những bài học về về tinh thần độc lập, tự cường của người Nhật Bản) của Fukuzawa Yukichi – Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Thế Giới phát hành.

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/lai-chuyen-that-trong-giao-duc-138690.html