Lạm dụng thuốc kháng sinh: Tự hại chính mình

Sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới...

Nhân viên Phòng khám Tuấn Hiền (Gia Lộc) tư vấn cách dùng thuốc cho người dân

Nhân viên Phòng khám Tuấn Hiền (Gia Lộc) tư vấn cách dùng thuốc cho người dân

Sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, nhất là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.

Mỗi khi gia đình có người ốm, bà Nguyễn Thị Nhài ở thôn Song Động, xã Tân An (Thanh Hà) đều nhắc phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh. Vừa qua, bà Nhài đưa cháu nội 3 tuổi đến Trung tâm Y tế Thanh Hà để khám bệnh.

Sau khi được thăm khám và bác sĩ kê đơn thuốc, bà Nhài mua thuốc ngay tại trung tâm và xin cho cháu được điều trị ngoại trú. Bà Nhài cho biết do gia đình có người làm trong ngành y nên hiểu khá rõ tác hại của việc tự ý sử dụng kháng sinh sẽ gây nhờn thuốc, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe.

Thực tế những trường hợp hiểu và không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mỗi khi ốm đau như gia đình bà Nhài không nhiều. Mới đây chị Nguyễn Thị Hà Thanh, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà đã làm một khảo sát tại xã Tân Việt (Thanh Hà) về tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ dưới 5 tuổi.

Kết quả có tới 61,4% số người mua thuốc không có đơn của bác sĩ. Trong số này có đến 41,9% số trẻ được phụ huynh tự ý cho uống từ 2 loại kháng sinh trở lên. Tỷ lệ dùng kháng sinh không đơn tập trung ở nhóm bệnh hô hấp, tiêu hóa… Kháng sinh được sử dụng không đơn nhiều nhất là Amoxicillin, Cefixime, Cephalexin. Người dân thường tự đến các quầy thuốc tư nhân mua thuốc kháng sinh.

Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà đang thu dung và điều trị cho trên 200 bệnh nhân. Tỷ lệ kháng sinh dùng để điều trị hơn 30%, trong đó dùng nhiều ở các khoa nhi, sản… Các bác sĩ tại đây cho biết hầu hết người dân tự mua kháng sinh ở ngoài về điều trị bằng kinh nghiệm bản thân, không qua khám xét hay được bác sĩ kê đơn.

Chỉ khi điều trị không thấy đỡ, người bệnh mới tìm đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Bác sĩ chuyên khoaI Nguyễn Văn Nhiệt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà cho hay: "Những trường hợp lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc kháng sinh gây khó khăn cho việc điều trị. Số ngày điều trị phải kéo dài khiến người bệnh mất nhiều tiền hơn, thậm chí nhiều trường hợp tự ý điều trị dẫn tới bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên".

Bệnh viện Đa khoa tỉnh có số lượng lớn bệnh nhân phải sử dụng kháng sinh. Để điều trị bệnh hiệu quả và hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh, hằng năm, Khoa Vi sinh đều nuôi cấy, định danh vi khuẩn, làm kháng sinh đồ để gửi đến Hội đồng Thuốc.

Năm 2019, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nghiên cứu 6.000 bệnh nhân với hơn 8.000 mẫu nuôi cấy. Kết quả cho thấy có tới hơn 2.500 người kháng thuốc kháng sinh. Các bác sĩ của bệnh viện còn phát hiện nhiều chủng vi khuẩn kháng đa thuốc.

Không chỉ tại các cơ sở y tế, kháng thuốc kháng sinh đã xuất hiện nhiều ngoài cộng đồng do người dân có thói quen tự ý và lạm dụng thuốc kháng sinh khi ốm.

Sử dụng kháng sinh bừa bãi và không theo đơn của bác sĩ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài mà có trường hợp còn bị phản ứng thuốc ngay tức khắc. Anh Nguyễn Văn H. ở đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) mới đây phải nhập viện lúc nửa đêm do tự ý uống thuốc kháng sinh Cefalexin khi bị ốm. Sau khi uống được một lúc, anh H. thấy xuất hiện các triệu chứng đỏ toàn thân, nổi nhiều ban và ngứa…

Sau khi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh anh mới thấy rõ được sự nguy hiểm khi tự ý mua thuốc không có đơn và không được các bác sĩ khám, chỉ rõ bệnh.

Để giảm mối nguy về kháng thuốc kháng sinh, thời gian tới, ngành y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các bệnh viện, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương và các hội chuyên môn nghề nghiệp để tuyên truyền phổ biến cho người dân về sự nguy hiểm của vi khuẩn kháng thuốc.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te/lam-dung-thuoc-khang-sinh-tu-hai-chinh-minh-124334