Làm gì để giải pháp chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp không nằm 'trên giấy'?

Những giải pháp chuyển đổi xanh sẽ mãi nằm 'trên giấy' nếu như các doanh nghiệp không xem đây là yếu tố sống còn. Điều này đòi hỏi họ phải xác định chiến lược phù hợp và hành động nhất quán trong hành trình chuyển đổi, xây dựng hệ sinh thái tái chế bền vững, tái sử dụng tài nguyên, khép kín vòng tuần hoàn.

Điển hình như việc một startup Việt có tên là S2M mới đây đã chế biến thành công vỏ xoài và vỏ thanh long thành thuộc da sinh học cao cấp (nguồn nguyên liệu quan trọng cho lĩnh vực thời trang bền vững). Đây được xem là thành quả của quá trình tái sử dụng phụ phẩm nông sản (vốn được nói nhiều về mặt lý thuyết) - một bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp (DN).

Từ hành động nhất quán

Và để tạo ra nguồn nguyên liệu đột phá như vậy, phía S2M đã xây dựng cả một chuỗi giá trị khép kín gồm: Thu gom thông minh từ hơn 500 cửa hàng, siêu thị thông qua Trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán lượng phế liệu; nhà máy tự động hóa 80%, sử dụng năng lượng tái tạo 100%.

Để chuyển đổi sản xuất xanh không nằm“trên giấy” đang cần các DN Việt hành động nhất quán vàkhép kínvòng tuần hoàn.

Bên cạnh đó, đơn vị này liên tục đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng AI kiểm định chất lượng vỏ quả theo thời gian thực. Ngoài ra, họ còn ứng dụng Blockchain (công nghệ chuỗi khối) truy xuất nguồn gốc sản phẩm và ứng dụng Bioengineering (kỹ thuật sinh học) để tăng độ bền, phát triển da tự làm sạch. Đồng thời là việc thực hiện quy trình kinh tế tuần hoàn 2.0 – sản phẩm hết vòng đời sẽ quay lại làm phân bón sinh học.

Có thể nói đây là hành trình “rác thành vàng”, từ phòng thí nghiệm ra đến thị trường toàn cầu. Và như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Vân, người sáng lập S2M:“Chúng tôi không chỉ muốn thay đổi ngành thuộc da, mà muốn thay đổi cách thế giới nhìn nhận về rác thải”.

Trong buổi làm việc mới đây ở Tp.HCM, ông Alvin S.B Oh, chuyên gia quốc tế đến từ Singapore, đã bày tỏ ấn tượng với cộng đồng startup và sản phẩm khởi nghiệp xanh tại Việt Nam. Nhất là với những DN tuy mới tham gia thị trường nhưng đã tập trung thúc đẩy các dự án gắn với tài nguyên bản địa, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn (đặc biệt là tăng cường tái chế bằng công nghệ mới) và đổi mới xã hội.

Ông Alvin S.B Oh cũng gợi mở cho các DN là cần tạo ra sự chuyển đổi xanh một cách bền vững và hiệu quả trong tăng trưởng. Đặc biệt, về mặt ứng dụng công nghệ mới cho việc chuyển đổi xanh thì cần đồng hóa AI tác nhân (Agentive AI) với trí tuệ đa chiều, vượt khỏi giới hạn của AI tạo sinh, cũng như thay đổi tư duy (mindset).

Theo vị chuyên gia này, các DN Việt, đặc biệt là nhóm startup, có thể bứt phá nếu nắm rõ tác động của ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Họ cũng cần tiên liệu thay đổi, xác định chiến lược phù hợp và hành động nhất quán trong hành trình chuyển đổi xanh.

“Trong chuyển đổi xanh, các DN không chỉ làm đúng việc (doing things right) mà phải làm đúng việc đúng đắn (doing the right thing)”, ông Alvin S.B Oh nói.

Còn tại họp báo ở Tp.HCM hôm 23/7 để thông tin về Diễn đàn Chuyển đổi Xanh và Ngày hội Tái chế 2025 (sẽ diễn ra tại Tp.HCM vào ngày 31/7, quy tụ 500 DN, tổ chức, nhóm khởi nghiệp và trường đại học tham gia), bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhấn mạnh chuyển đổi xanh trong DN không còn là lý thuyết, mà là hành động sống còn.

Theo bà Hạnh, từ diễn đàn chuyển đổi xanh thì mong rằng các mô hình tuần hoàn, sản phẩm tái chế, giải pháp xanh sẽ không chỉ “nằm trên giấy”, mà bước vào cuộc sống thường nhật. Nhất là thúc đẩy chuyển đổi xanh trong DN và đời sống, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng tài nguyên, góp phần hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) của Việt Nam.

Riêng ở góc độ một DN đang tham gia vào hoạt động tái chế rác thải nhựa, ông Lê Anh, đại diện CTCP nhựa tái chế Duy Tân (Duytan Recycling), cho rằng trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng đáng lo ngại, các DN cần đóng vai trò then chốt không chỉ trong sản xuất mà còn trong tái tạo giá trị từ vật liệu đã qua sử dụng.

Đến khép kín vòng tuần hoàn

Ông Lê Anh chỉ rõ tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái tái chế bền vững, với trọng tâm là kết nối chặt chẽ giữa DN và người tiêu dùng thông qua các sáng kiến đồng hành – từ khuyến khích phân loại rác tại nguồn, chủ động thực hiện chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam, đến phát triển các sản phẩm làm từ nhựa tái chế đạt chuẩn an toàn thực phẩm.

Liên hệ thực tế tại Duytan Recycling, ông Lê Anh cho biết bản thân DN đã và đang đầu tư công nghệ hiện đại, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, và hợp tác cùng các đối tác trong nước và quốc tế nhằm khép kín vòng tuần hoàn nhựa.

Để việc chuyển đổi xanh của DN không “nằm trên giấy”, đứng ở góc nhìn của một chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, có lời khuyên cho các DN là nên đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác sâu sắc hơn với khách hàng để cùng giải quyết áp lực môi trường.

Ts. Hùng đưa ra dẫn chứng từ việc các nhà bán lẻ quần áo lớn trên thế giới như H&M, Zara và Uniqlo thời gian qua yêu cầu các nhà cung cấp của họ tại Việt Nam sử dụng bông hữu cơ, giảm tiêu thụ nước/năng lượng và thực hiện tái chế chất thải. Điều này đã khiến các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đầu tư mạnh hơn vào quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Theo vị chuyên gia này, các DN đứng đầu chuỗi cung ứng cần tiên phong thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực sản xuất. Danh tiếng của DN đứng đầu chuỗi cung ứng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cung cấp của họ ở Việt Nam tiếp cận nguồn đầu tư xanh, như trái phiếu xanh hoặc các khoản vay phát triển bền vững.

Nên nhìn nhận thêm, trong hành động chuyển đổi sản xuất xanh như hiện nay, nếu không bị xem là “nằm trên giấy” thì cần phát triển thêm nhiều khu công nghiệp bền vững ở Việt Nam để làm sứ giả cho phong trào sinh thái và khuyến khích các ngành công nghiệp khác làm theo.

Như khuyến nghị của Ts. Scott McDonald, chuyên gia kinh tế, các khu công nghiệp bền vững ở Việt Nam nên chú trọng vào hiệu quả sử dụng tài nguyên bằng cách thúc đẩy phương pháp sản xuất sạch hơn, giảm tiêu thụ năng lượng và qua đó giảm lượng khí thải carbon, tối ưu hóa việc sử dụng nước, giảm thiểu phát sinh chất thải thông qua các nguyên tắc tái chế và kinh tế tuần hoàn.

Mặt khác, như lưu ý của Ts. McDonald, sẽ có không ít thách thức khi triển khai các thông lệ bền vững trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam, chẳng hạn như làm thế nào để cân bằng tăng trưởng kinh tế với tính bền vững của môi trường, hay vượt qua các rào cản đầu tư ban đầu.

“Những khó khăn này không dễ khắc phục, nhưng với nỗ lực của Chính phủ trong việc dẫn dắt sáng kiến này, hoàn toàn có thể kỳ vọng ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều khu công nghiệp bền vững hình thành trong những tháng năm tới”, Ts. McDonald bày tỏ.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/lam-gi-de-giai-phap-chuyen-doi-xanh-trong-doanh-nghiep-khong-nam-tren-giay-1108362.html