Làm giàu trên vùng đất khó

Nhiều năm liền, ông Nguyễn Văn Lượng – ở khu phố 4, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân) là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, tâm huyết nghề trồng cây ăn trái ông luôn vượt khó sản xuất ra sản phẩm an toàn…

Làm giàu trên vùng đất khó

 Ông Nguyễn Văn Lượng tỉ mỉ chăm vườn cây con ông lai tạo giống.

Ông Nguyễn Văn Lượng tỉ mỉ chăm vườn cây con ông lai tạo giống.

Thay đổi tư duy sản xuất

Ông Lượng quê ở xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nơi được biết đến là cái nôi của vùng cây ăn trái nên việc trồng cây trái đối với lão nông miệt vườn như một niềm đam mê. “Nhớ lại thời điểm năm 1997, phong trào trồng cây ăn trái phát triển mạnh, dịch vụ trồng xuất khẩu sang Trung Quốc được ưa chuộng đặc biệt là trái xoài và các loại cây có múi. Điều kiện đất đai ở Tiền Giang chật hẹp, không đủ mở rộng vườn tôi đã tìm đến vùng đất Tân Minh lập nghiệp như là một cái duyên”, ông Lượng nhớ lại. Từ vài sào đến nay ông đã mở rộng vườn cây ăn trái rộng đến hơn 7 ha. Hai vùng đất khác xa nhau về thổ nhưỡng, khí hậu nên kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cũng có những khác biệt. Tuy nhiên, nhưng với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng cây ăn trái cộng với kiến thức tích lũy qua nghiên cứu, tìm tòi ông đã mạnh dạn trồng nhiều loại cây mà ông biết ở Tiền Giang như xoài cát, xoài Đài Loan, xoài Thái, xoài Úc, cam dây, quýt đường, cam sành… đều thành công, cho hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt ở lão nông này không chỉ mạnh dạn thử nghiệm giống mới, mà còn lai tạo giống, áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ông rành rẽ từng cách bố trí mật độ cây trồng trong vườn phù hợp, bón nhiều phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ và các loại hóa chất nông dược gây ô nhiễm đất canh tác, nguồn nước tưới hoặc sinh vật có hại phát triển dẫn đến dư lượng chất độc trong trái cây vượt ngưỡng cho phép… Từ kinh nghiệm qua mỗi vụ canh tác, vườn cây của ông cho giá trị kinh tế cao. Trong quá trình sản xuất, ông đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào cải tạo vườn xoài, vườn cam nên nâng chất lượng trái. Cây xoài cho trái to chua thanh, lúc chín rất ngọt và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tay chỉ những cây xoài Úc, xoài Đài Loan, cam vàng mới lai tạo cây non khỏe, xanh mơn mởn ở một góc vườn. Lão nông tỉ mỉ từng li từng tí chăm bón từng cây con. Bàn tay thoăn thoắt nâng niu những nhánh lá non mới nhú ra từ thân, ông chỉ rõ đặc tính từng cây từ cách làm bầu, chiết cành đến lượng nước tưới sao cho vừa đủ… Từng cử chỉ cộng vốn kiến thức nhà nghề khi ông diễn giải nom ông không khác một kỹ sư nông nghiêp. Giọng đậm chất miền Tây ông nói: “Bây giờ làm nông nghiệp phải thay đổi, không thể làm theo cách cũ được nữa mà phải quan tâm đến chất lượng và an toàn sản phẩm nhất là trồng cây ăn trái. Người tiêu dùng ngày càng hướng đến dùng các sản phẩm sạch, người nông dân phải thay đổi cách sản xuất mới bán được giá cao”.

Hình thành vùng cây ăn trái

Trong ký ức nhiều người dân thị trấn Tân Minh nói riêng và rộng ra cả huyện Hàm Tân là một vùng đất khó. Những ngày đỉnh hạn nhiều khu vườn trở nên khô khốc, cánh đồng nứt nẻ như bánh tráng khô. Câu chuyện lo nước tưới cứu cây trồng thường trực trong từng bữa ăn giấc ngủ của người nông dân. Vùng đất Tân Minh cũng vậy, trước đây cây trồng chưa đa dạng, chủ yếu phát triển cây ngắn ngày mì, mía. Nhưng chỉ một thời gian phát huy hiệu quả kinh tế, vào những năm đỉnh hạn làm giảm năng suất, đầu ra giá cả bấp bênh đã khiến không ít nông dân lao đao. Càng khó khăn nhiều người nông dân không chùn bước nỗ lực để làm nên mùa “trái ngọt”. Một vùng cây ăn trái đã hình thành ở nhiều nơi như Tân Minh, Thắng Hải mà ít ai ngờ đến. Ông Lượng được xem là người tiên phong đưa cây ăn trái về Tân Minh thành công, từ đó nhân rộng cho nhiều nông dân khác làm theo. Hiện nay ở Tân Minh ngày càng xuất hiện thêm nhiều cái tên nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh về trồng cây ăn trái như ông Trương Hồng Thắng, Phạm Văn Cụt, Nguyễn Văn Đức… Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Minh ông Đặng Xuân Hiền cho biết, hiện diện tích cây ăn trái toàn thị trấn khoảng 300 ha phủ xanh những vùng đất trồng cây màu bấp bênh trước đây. Trồng cây ăn trái đã giúp nhiều nông dân ở đây thoát nghèo vươn lên làm giàu trên vùng đất khó.

Không có con đường thành công nào bằng phẳng, để gây dựng vườn cây ăn trái cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm ông Lượng cũng kinh qua những khó khăn, thất bại. “Tôi nhớ mãi về cơn bão năm 2011 ập đến tàn phá nát nửa vườn cây, từ đó năng suất và lợi nhuận giảm đi rất nhiều. Sau đó, tôi phải mất một thời gian miệt mài dặm vá lại những cây đổ, ngã, tìm tòi chuyển đổi một số giống cây hiệu quả cao như quýt hồng, nhãn Indo, nhãn Mỹ, xoài Đài Loan, xoài Thái… cải thiện thu nhập cho công nhân bám vườn”.

Tính chân chất, thật thà ông Lượng không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật canh tác cho những nông dân khác. Mỗi năm có hơn 20 nông dân được ông tạo điều kiện giúp đỡ về vốn, hỗ trợ kỹ thuật. Nhiều năm là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương, ông là 1 trong 63 gương mặt nông dân xuất sắc cả nước được tôn vinh năm 2018 và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

“Thổ nhưỡng, khí hậu Tân Minh phù hợp với trồng cây ăn trái nhưng còn khó khăn về nước tưới nông dân không dám mở rộng thêm diện tích. Nếu giải quyết được nước tưới, nông dân chịu khó tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cập nhật những hiểu biết làm ra nông sản an toàn theo kịp thị hiếu của thị trường như ông Lượng làm giàu không khó” - ông Đặng Xuân Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Minh.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/lam-giau-tren-vung-dat-kho-2-130851.html