Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

Trong khi nhiều người lựa chọn đi làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp thì vợ chồng chị Vũ Thị Nhâm, xóm 9, xã Liên Sơn (Gia Viễn) lại quyết định nghỉ việc nhà máy về quê làm nông dân. Nhờ sự quyết tâm, vợ chồng chị đã thành công với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng; chị Nhâm nhiều lần được biểu dương là điển hình về phát triển kinh tế giỏi tại địa phương.

Mô hình trang trại tổng hợp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Vũ Thị Nhâm.

Mô hình trang trại tổng hợp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Vũ Thị Nhâm.

Nhìn vào mô hình trang trại tổng hợp VAC rộng gần 6 ha của chị Nhâm bây giờ, ít ai biết được gia đình chị từng là một trong số những hộ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Liên Sơn.

Chị Nhâm cho biết, chị kết hôn từ năm 2006, khi hai vợ chồng đang là công nhân tại Hà Nội. Sau khi lập gia đình rồi sinh con, cuộc sống càng thêm khó khăn, túng thiếu. Thế rồi, vợ chồng bàn nhau làm thêm các công việc khác để có thu nhập trang trải cuộc sống và chuẩn bị cho dự định tương lai. Vốn chăm chỉ, chịu khó, sau 9 năm, vợ chồng chị đã tiết kiệm được một số vốn và quyết định về quê lập nghiệp.

Năm 2016, trên 1,2 ha đất dồn điền đổi thửa của gia đình, chị Nhâm vay mượn, thuê thêm 6 mẫu đất của các hộ dân để đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với 1 ao ươm cá giống và 1 ao cá thương phẩm. Toàn bộ diện tích ven ao trồng bưởi, mít, ổi và các loại cây giống để bán. Ngoài ra, chị còn xây dựng thêm 2 dãy chuồng trại để nuôi lợn thương phẩm, bò và gà.

Theo chị Nhâm, khó khăn nhất khi khởi nghiệp là thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên gặp rủi ro, có năm bị thua lỗ. Nhưng chính những thất bại ban đầu ấy đã giúp vợ chồng chị đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho quá trình chăn nuôi sau này.

Những năm tiếp theo, hiệu quả chăn nuôi từ trang trại tăng dần. Năm 2018, gia đình chị Nhâm thu về hơn 100 triệu đồng lợi nhuận, năm 2019 tăng lên 350 triệu đồng và 500 triệu đồng năm 2020. Để nâng cao hiệu quả mô hình, vợ chồng chị Nhâm dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và HTX tổ chức, học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, vợ chồng chị cũng chủ động đọc sách báo, tìm hiểu kỹ thuật nuôi, tìm mua những giống cá, lợn, gà có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nhờ vậy, những năm qua, các loại cây trồng, con vật nuôi trong trang trại sinh trưởng và phát triển ổn định cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước. Chính việc đảm bảo kỹ thuật và các biện pháp an toàn trong chăn nuôi đã giúp trang trại vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh.

Hiện nay, chị Nhâm đã mở rộng quy mô trang trại lên gần 6 ha với 3 ao cá; 2 dãy chuồng nuôi 700-800 con gà, lợn; hơn 2.000 gốc bưởi, ổi, mít và hàng trăm cây giống.

Khi được hỏi về kinh nghiệm phát triển trang trại, chị Nhâm cho biết: "Quan trọng nhất trong chăn nuôi là phải chọn con giống đã được kiểm nghiệm, tốt nhất là nguồn giống được sản xuất tại địa phương và tự mình nhân giống. Thức ăn sử dụng là thức ăn phổ thông, dễ chế biến, giá thành thấp nhưng giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt là phải biết áp dụng đúng KHKT thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao".

Điều đáng ghi nhận là từ mô hình trang trại của gia đình, chị Nhâm đã tạo việc làm cho 5 chị em lao động cùng địa phương với mức lương ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Nói về chị Vũ Thị Nhâm, bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Sơn cho biết: Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị Nhâm còn là một hội viên tích cực tham gia các phong trào Hội, thường xuyên vận động chị em xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Chị đã hỗ trợ và tạo việc làm cho nhiều hội viên khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi để các chị em phụ nữ khác học tập.

Bài, ảnh: Mạnh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lam-giau-tu-mo-hinh-trang-trai-tong-hop/d20210827150418428.htm