Làm giàu từ nuôi ongTin khácKết nối các nguồn lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mơíDanh sách cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú' lần thứ nhất, năm 2021

Bằng kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều đời, cộng thêm việc tích cực học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật, anh Hoàng Văn Cương, thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn đã phát triển hiệu quả nghề nuôi ong, mang lại thu nhập cao.

Anh Hoàng Văn Cương sinh năm 1982 tại thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự từ năm 2001 đến năm 2003, trải qua một số ngành nghề, đến năm 2008, anh bắt đầu tìm hiểu về nghề nuôi ong. Đây là nghề được cha ông truyền lại nên anh được thừa hưởng rất nhiều kinh nghiệm quý báu.

Anh Cương chia sẻ: Xã Quảng Lạc có lợi thế về nguồn tài nguyên rừng với nhiều loại cây hoa rừng có giá trị về dược liệu và nguồn hoa cung cấp mật cho giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, khí hậu vùng thường xuyên thấp hơn các vùng khác trong cả nước nên mật ong đặc sánh, thơm ngon. Sản phẩm mật ong nuôi tại đây có tác dụng rất tốt trong việc kết hợp làm thuốc chữa bệnh, làm đẹp da… Với những lợi thế đó, lại có sẵn kinh nghiệm từ cha ông truyền lại nên tôi quyết định tập trung xây dựng kinh tế từ nghề này và quyết tâm góp phần thúc đẩy thương hiệu mật ong của xã ngày càng phát triển mạnh hơn.

Anh Hoàng Văn Cương chăm sóc đàn ong mật

Anh Hoàng Văn Cương chăm sóc đàn ong mật

Song song với những kinh nghiệm sẵn có của gia đình, anh không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các vùng nuôi ong trong và ngoài tỉnh, áp dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng quy trình chăm sóc phù hợp. Theo anh, người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong. Có vậy mới cho chất lượng, sản lượng mật ong tốt, mới giữ được uy tín và thương hiệu trên thị trường.

Sau hơn 10 năm, từ 15 đàn ong ban đầu, đến nay, gia đình anh đã có 90 đàn ong mật, mỗi năm thu về từ 600 đến 700 lít mật, cho thu nhập từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn bán ong giống cho những người nuôi trong tỉnh và sản xuất, bán các loại dụng cụ nuôi ong (như thùng nuôi ong, cầu ong, thùng quay mật…) tạo thêm nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Không chỉ phát triển nghề nuôi ong, anh Cương còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho những người nuôi ong trong xã. Năm 2016, anh cùng 7 hộ khác thành lập tổ hợp tác nuôi ong lấy mật xã Quảng Lạc; đến năm 2017, tổ hợp tác tham gia Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng. Từ đó, anh cùng các thành viên HTX tập trung hoàn thiện quy trình nuôi ong, thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… nhằm xây dựng thương hiệu mật ong trên địa bàn. Đến năm 2019, HTX đã có sản phẩm “Mật ong hương rừng Xứ Lạng” được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao; năm 2020, sản phẩm “Mật ong ngũ gia bì” của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, đây cũng là 1 trong 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021 của tỉnh Lạng Sơn.

Ông Hoàng Văn Xuyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Lạc cho biết: Đồng chí Hoàng Văn Cương là một trong những hội viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Không chỉ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, đồng chí còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tham gia giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.

Với những nỗ lực đó, anh Hoàng Văn Cương đã được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh và đóng góp đối với các hoạt động văn hóa, xã hội, từ thiện trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vào các năm 2018 và 2020. Năm 2021, anh được Hội Cựu chiến binh tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016 – 2020.

ĐẶNG DŨNG

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nguoi-tot-viec-tot-2/442622-lam-giau-tu-nuoi-ong.html