Làm lộ đề thi sẽ phải đối diện hình phạt nào?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua xảy ra trường hợp chụp đề thi gửi ra ngoài. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, người có hành vi làm lộ bí mật Nhà nước, dù cố ý hay vô ý, đều đối diện hình phạt về hình sự.

Tại cuộc họp báo về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 vào chiều 27/6/2025, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho hay, cơ quan điều tra đã tiến hành công tác truy xét và xác định có 3 thí sinh ở 2 hội đồng thi đã sử dụng điện thoại chụp một phần đề thi rồi đăng tải lên một ứng dụng AI nhờ giải giúp.

1 thí sinh ở tỉnh Lâm Đồng đặt camera giấu kín trong ống tay áo, chụp đề thi gửi ra ngoài, nhờ người khác giải hộ.

Ngày 27/6/2025, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; Chiếm đoạt bí mật nhà nước” quy định tại khoản 2, Điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xảy ra sáng 26/6/2025 tại Hội đồng thi Trường THPT Thăng Long, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 30/6, Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án vô ý làm lộ bí mật nhà nước (theo Điều 338, Bộ Luật Hình sự) để điều tra, làm rõ vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT xảy ra tại Hà Nội vào ngày 26/6/2025.

Cơ quan Công an làm việc với thí sinh vi phạm

Cơ quan Công an làm việc với thí sinh vi phạm

TS. luật sư Đặng Văn Cường, giảng viên Khoa luật và Lý luận chính trị, Trường đại học Thủy Lợi cho biết, sự nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được tuân thủ theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và quy chế thi.

Theo quy định của pháp luật, đề thi tốt nghiệp THPT chưa công khai là danh mục bí mật nhà nước. Trước đây chưa có quy định cụ thể thời điểm nào là thời điểm công khai đề thi kỳ thi THPT để xác định đề thi đó còn là thông tin bí mật nhà nước hay không nên việc xử lý hình sự đối với thí sinh có hành vi làm lộ lọt đề thi ra ngoài chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý.

Tuy nhiên, với Thông tư số 24/2024/TT-BGD, Bộ GD-ĐT đã có quy định cụ thể đối với đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Cụ thể chưa hết 2/3 thời gian làm bài với đề thi tự luận, chưa hết thời gian làm bài đối với môn thi trắc nghiệm thì đề thi đó vẫn là bí mật nhà nước, được bảo vệ theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và người cố ý hoặc vô ý làm lộ thông tin này sẽ bị xử lý hình sự.

Nếu người nào biết thông tin, tài liệu, hoạt động nào đó là bí mật của nhà nước, nhưng cố ý làm lộ, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả bí mật bị phát tán thì đó là cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc hơn.

Còn đối với những người không biết đó là thông tin tài liệu mật mà vô ý do quá tự tin hoặc cẩu thả dẫn đến làm lộ bí mật nhà nước sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm bí mật nhà nước.

Bởi vậy đối với các thí sinh đã được cán bộ, giám thị phòng thi hoặc cán bộ đơn vị tổ chức thi thông báo về thời gian bảo mật đề thi (hết 2/3 thời gian làm bài với đề thi tự luận và hết thời gian làm bài với đề thi trắc nghiệm là bí mật nhà nước, nghiêm cấm thí sinh phát tán thông tin đề thi, nếu phát tán sẽ bị xử lý hình sự) mà cố tình vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 337, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là 15 năm tù.

TS. luật sư Đặng Văn Cường

TS. luật sư Đặng Văn Cường

Còn trường hợp, cán bộ, giám thị phòng thi vì thiếu trách nhiệm mà không phổ biến cho thí sinh về thời gian bảo vệ bí mật nhà nước đối với đề thi, thí sinh do không biết đó là bí mật nhà nước mà phát tán đề thi ra ngoài sẽ xử lý hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 338, Bộ luật Hình sự với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.

Trong trường hợp cán bộ coi thi đã phổ biến cho thí sinh đề thi là bí mật nhà nước nhưng thí sinh cố tình vi phạm thì cán bộ coi thi sẽ không phải chịu trách nhiệm. Còn trường hợp cán bộ coi thi không thông báo cho thí sinh biết đề thi chưa hết thời gian làm bài theo quy định là bí mật nhà nước dẫn đến thí sinh phát tán đề thi ra ngoài thì cả cán bộ và thí sinh đều có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, với cán bộ coi thi có thể còn là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Để xác định lỗi cố ý hay vô ý thì phải có chứng cứ chứng minh người vi phạm có biết đấy là bí mật nhà nước hay không.

TS. luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, văn bản pháp luật về bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đang ngày càng hoàn thiện làm cơ sở để đảm bảo công bằng, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Với những thông tin, tài liệu, hoạt động được xác định là bí mật nhà nước sẽ được bảo vệ một cách rất chặt chẽ. Người thực hiện hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc vô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất tài liệu bí mật nhà nước, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước đều bị xử lý hình sự bằng chế tài nghiêm khắc.

Điều 5. Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

- Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

- Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.

- Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.

- Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.

- Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.

- Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.

Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.

- Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Nguyễn Vân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/lam-lo-de-thi-se-phai-doi-dien-hinh-phat-nao-post1211824.vov